Gửi những người trẻ đang chênh vênh
Chênh vênh là một đặc quyền của tuổi trẻ. Nhưng đừng chênh vênh lâu quá và đó cũng không phải cái cớ để lười biếng và thiếu trách nhiệm với bản thân mình.
Tôi đang viết những dòng này khi dành ra một tuần cắm mặt vào màn hình cố hoàn thành một tản văn khác. Người ngoài nhìn vào có lẽ sẽ nghĩ cô gái này đang thực sự chú tâm làm việc đến mức quên mất khái niệm thời gian. Nhưng thực sự, tôi chỉ nhìn chằm chằm vào một khoảng không vô định trên màn hình máy tính, cầu mong đồng hồ điểm thật nhanh để có cái cớ bỏ việc đi ngủ cho đỡ tội lỗi. 11 giờ đêm rồi, mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu cả, và tôi thì rất sốt ruột. Cái deadline một tuần hoàn thành hai tản văn của tôi ngày một trở nên bất khả thi.
Và vô tình (hoặc xui xẻo) thế nào, tôi đọc được dòng này khi nằm lướt Facebook: "Một ngày dài đằng đẵng chỉ là khái niệm dễ hiểu để diễn tả chiều dài của một ngày dài mà một người tầm thường mong muốn nó qua đi." Một phát trúng ngay tim đen, tôi có hơi tự ái. Từ lúc nào mà tôi khiến bản thân trở thành một người "tầm thường" lặng lẽ sống qua ngày vậy? Hàng ngày vẫn những công việc cũ, thói quen cũ, con người cũ,…cộng thêm những khoảng không vô định của những ngã rẽ trong tương lai khiến tôi muốn trốn tránh mọi thứ.
Tôi chênh vênh.
Người ta hay nói 25 tuổi là độ tuổi của chênh vênh. Đi hết quãng tư cuộc đời mới ngoái lại tự hỏi bản thân: Có hạnh phúc với sự lựa chọn hiện tại không? Có nỗ lực hết sức không? Có đi đúng hướng không? Có yêu đúng người không? Ở cái tuổi ấy, con người bắt đầu lao vào cuộc chiến cơm áo gạo tiền, bận tâm với cuộc sống, với các mối quan hệ, và cả tổ ấm nhỏ của mình. Thực ra, tôi nghĩ tính từ thích hợp để miêu tả cho 25 là "loay hoay." Xoay trái, nghẹo phải, bước lên, lùi xuống để tính toán từng đường đi nước bước chậm mà chắc, vì thế giới người lớn không đủ bao dung cho những bước chân sai. Tuổi 25, đã có "gì đó" để mất.
Tuổi 21, chả có gì nhưng vẫn sợ mất. Thế mới bi (và) hài! Tuổi 21 mới là quãng thời gian thích hợp nhất để nói là "chênh vênh"- một trạng thái mang chút gì đó mơ hồ, vô định, và bấp bênh. Chẳng dám xoay trái hay nghẹo phải đâu, vì đến đi còn chưa vững.
Con người ta thường chênh vênh khi đứng trước ngưỡng cửa rộng lớn của cuộc đời vì thấy bản thân còn quá nhỏ bé. Thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng dễ mắc FOMO (Fear Of Missing Out) khiến bản thân họ không thể hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Giả sử đứng giữa lựa chọn được đi du lịch 1 trong 10 địa điểm, người mắc chứng FOMO sẽ nuối tiếc 9 điểm còn lại thay vì tận hưởng tại nơi anh ta chọn. Và cứ như vậy, xu hướng này cản trở quá trình trải nghiệm của con người, khiến chúng ta mải miết tìm kiếm thứ tuyệt vời hơn và không trân trọng những gì mình đang có. Với những gì dồi dào và hào phóng của thế kỷ mới, con người càng trở nên chênh vênh khi đứng trước vô vàn sự lựa chọn nhưng không biết sự lựa chọn nào mới là tốt. Nói theo kinh tế học, bạn khó có thể đưa ra sự lựa chọn khiến mình hài lòng vì chi phí cơ hội là quá cao.
Chênh vênh còn là khi không có sự lựa chọn nào. Những người 20 hay lờ mờ sau 20 - những đứa trẻ đang tập-làm-người-lớn bắt đầu mò mẫm trên quãng đường đời với vô vàn sỏi đá, khúc khuỷu. Tưởng chừng một cú hích nhẹ của cuộc đời có thể dồn ta vào đường cùng ngõ hẻm, dù có dốc sức bình sinh để bám víu nhưng rốt cuộc vẫn chênh vênh rồi ngã xuống vực thẳm. Trải qua vài ba lần xô xát với cuộc đời, những cô gái chàng trai tuổi đôi mươi mới thèm khát bẻ cong thời gian để vĩnh viễn đứng yên, để không phải giằng co với nó.
Thực ra, chênh vênh là một đặc quyền của tuổi trẻ. Sẽ hoàn toàn ổn nếu ta xin tạm nghỉ một thời gian để dành ra cho bản thân chút thời gian để tĩnh tâm lại và trả lời những chất vấn trong lòng một cách trung thực nhất. Thuật ngữ "đưa nhau đi trốn" của chàng rapper Đen Vâu phải chăng cũng là để nói hộ tâm tư của những người trẻ đang ngột ngạt với guồng quay cuộc sống hay sao?
Phải, hãy cứ "đi trốn", nếu cần. Nhưng hãy nhớ rằng, đừng trốn, hay nói đúng hơn, đừng chênh vênh lâu quá. Tuổi trẻ chỉ đến duy nhất một lần và qua nhanh như cơn mưa mùa hạ, ta đừng phí hoài thanh xuân của mình chỉ vì sợ đối mặt với hiện tại. Chênh vênh không phải cái cớ để trở nên lười biếng và thiếu trách nhiệm với bản thân mình, vì đến 40, 50 tuổi, bạn sẽ trở thành một con người không-có-lí-tưởng thay vì chênh-vênh.
Trong bộ phim "Mr. Nobody", trước khi nhân vật chính (Nemo Nobody) được sinh ra, các thiên thần đã quên xoá kí ức cho cậu và khiến cậu có thể nhìn chính xác chuyện tương lai. Bộ phim là sự kết hợp của những cảnh quay rời rạc, miêu tả hàng trăm viễn cảnh cuộc đời Nemo mỗi khi cậu đưa ra bất kì sự lựa chọn nào. Kết phim, Nemo Nobody sống hàng trăm cuộc đời nhưng không ai biết Nemo là ai, từ đâu đến, thân phận ra sao khi ông 118 tuổi.
Thay vì đặt câu hỏi "Lựa chọn thế nào mới là đúng?," có lẽ ta nên tin rằng mọi sự lựa chọn đều đúng. Mọi ngã rẽ đều đưa ta đến nơi ta cần đến, gặp người ta cần gặp, và giúp ta trở thành người ta cần trở thành. Mọi ngã rẽ đều rồi dẫn về định mệnh, chỉ cần ta tin vào nó.
Gửi những người trẻ đang chênh vênh,
Khi chênh vênh, hãy chắc rằng bạn không ngã. Đừng trượt dài với những đêm dài trằn trọc rồi tự trách mình chưa đủ tốt. Đừng nuối tiếc những sự lựa chọn và ước mình có thể làm khác đi. Cũng đừng để sức nặng của cuộc sống đè bẹp lên sự kiêu hãnh và giá trị của bản thân mình. Sự gan dạ là kim chỉ nam cần thiết để bứt phá ra khỏi cái chênh vênh. Gan dạ để sống, để lựa chọn, để vấp ngã. Gan dạ bứt ra khỏi tổ kén mà mình ngủ trong đó quá lâu, vượt qua những lăn tăn tầm thường để nâng cánh bay về phía mặt trời, tích luỹ nào hoa nào phấn để con người mình lấp lánh hào quang.
Hình như, phải trải qua sự chênh vênh ấy, ta mới có những ngày chắc chắn.
Lê Minh Anh