Giàn bầu hạnh phúc
Cha tôi luôn giữ thói quen trồng một khóm bầu trong vườn. Ông bảo, bầu là loài cây thân thảo dễ tính, gắn bó và dường như thấu hiểu sự lam lũ của nhà nông chỉ sau cây lúa ngoài đồng. Có lẽ thế mà bầu thường ra quả trĩu trịt lại chan chứa ngọt thanh, mát mềm những bữa cơm quê sum vầy niềm tấm tắc. Có biết bao giàn bầu đã neo đậu mải miết vào những năm tháng tuổi thơ lẫn trưởng thành của tôi. Khi cha bắc chiếc giàn tre, mẹ nhổ cỏ tưới nước và vun vén thêm phân thêm đất cho khóm bầu mới trồng từ đận tháng mười thì qua giêng thôi sẽ tha hồ được ăn quả.
Giàn bầu ngày ấy được cha trồng ngay trước cổng chỉ cách khoảng sân chừng mươi bước. Từ hiên nhà trông ra hay từ ngõ xa nhìn vào, giàn bầu xanh rợp tầm mắt, quả vắt vẻo, quả buông xuống lưng chừng như những đứa trẻ rộn rã chơi trò đánh đu. Tiếng chuyền tre tí tách bên dóng chân nhỏ theo nhịp tung lên hạ xuống từ quả bưởi non vẫn còn he cay phảng phất, tiếng sỏi đá lạo xạo với trò chơi ô ăn quan, tiếng lách tách của những hòn bi ve hay tiếng hò reo khi gẩy từng chiếc nịt, tiếng cười đùa của anh em tôi chí choé giòn tan dưới giàn bầu dịu mát. “Quả này đẹp quá, quả kia cũng đẹp, của anh… của em…”. Lời xí phần hồn nhiên cứ theo đôi tay với lên, đôi chân kiễng bật thêm để chạm vào những quả bầu trên cao đang vẫy gọi. Những giọt nắng xuân chẳng thể bụm miệng được nữa mà lăn lóc ra khắp giàn bầu, rơi cả xuống đất vẫn chưa hết cười rung rinh nắc nẻ.
Bóng mẹ đi chợ về thấp thoáng từ đằng xa, mấy anh em lại chen chân nhau mà chạy mà vấp để đón quà, những lá bầu, quả bầu cũng xôn xao như chung niềm ngóng mẹ. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ treo quai nón vào ghi đông xe đạp rồi dựng chân chống cạnh giàn bầu. Mẹ đặt chiếc ghế để đứng lên cho cao, một tay cầm dao cắt vào cuống quả bầu, tay kia đỡ sẵn phía dưới rồi âu yếm nhìn giàn bầu một lượt như muốn bày tỏ tấm lòng hàm ơn. Cha ngồi bên thềm uống ngụm nước vối vàng ươm rồi nhẩn nha:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”
Vẫn là tôi te tái: “Con không ăn râu tôm đâu, con ăn thịt tôm cơ! Hay là canh hến cũng được”. Mẹ đang thái từng miếng bầu mà ngưng lại cười thành tiếng. Tình nghĩa cha mẹ dành cho nhau từ buổi ban đầu với hai bàn tay trắng đến lúc dựng nên cơ đồ với mấy mặt con thơ đã trải qua bao thăng trầm cuộc đời vẫn giữ vẹn nguyên một niềm sắt son ấm áp.
Khi cha vùi khẽ hạt bầu vào trong khoảng đất tơi xốp và tưới thêm chút nước giữ ẩm, mấy mầm xanh mở mắt nhú mình chỉ vài ngày sau đó. Chẳng mấy chốc đôi ba chiếc lá xanh biếc xoè ra, ngọn và tua bầu như cánh tay reo vui hân hoan vẫy chào nắng gió. Cha cắm mấy cành tre nhỏ hơi ngả ra, dẫn lối cho bầu leo lên giàn khi bốn chiếc cột đã được chôn vững vào bốn góc để đan xếp, gác gối những cây tre nhỡ bằng cổ tay hay những cây tre to chẻ đôi lên phía trên mà buộc chắc nịch các mối nút bằng mấy vòng lạt dẻo hoặc sợi dây thép bé. Ngày ngày, mẹ tưới một vòng luống rau rồi tưới cả khóm bầu cha dặn. Dây bầu mập mạp khoẻ khoắn ôm vai bá cổ, quấn quýt không rời tấm lưng giàn vuông vắn như thể những đứa con bé bỏng được cha công kênh trên lưng mà dạo chơi khắp ngõ. Ngọn bầu lia láu vươn mình đến đâu, những chiếc tua bám chặt vào thanh tre đến đấy. Chẳng mấy chốc từ kẽ thân lá, hoa bầu nhú lên li ti rồi một hôm bung ra trắng muốt, bướm ong sà xuống hít hà, những quả bầu bé bỏng đậu lại như những con sâu róm con, và ba bốn tuần sau quả đã nhẵn thín lúc lỉu kéo võng cả dây trên giàn, gọi chờ người tới lui để hái.
Những quả bầu xanh biếc, uống trọn những tinh tuý của mùa đương xuân. Chúng say sưa dưới bầu trời êm ru khoáng đạt, có vũ điệu nắng vàng óng ả, có khúc gió vi vu thơm nồng, có mưa như tràng kẹo tí hon ngọt mát, đất ân cần tơi xốp cho rễ bén sâu thêm. Đôi tay cha trồng và chăm sóc tỉ mỉ, gửi gắm một mùa bầu bội thu, đôi tay mẹ hái quả từng ngày mà lòng tràn trề hạnh phúc. Cũng từ vòng tay chở che và dìu dắt của cha của mẹ, anh em tôi biết yêu thương, biết nhịn nhường, biết quan tâm đùm bọc nhau hơn nữa. Những mùa bầu cho cổng nhà tôi bóng mát, cho quả ngọt bên bữa cơm ngon, anh em tôi khôn lớn mỗi ngày, cha và mẹ càng thương nhau như “gừng cay muối mặn”.
Cây bầu lành tính và gắn bó khăng khít với vườn quê, người ở quê, quả bầu tận hiến cho bữa cơm nhà nông, chẳng kén người ăn, chẳng chọn người nấu. Bầu luộc, bầu xào, bầu nhồi thịt và cá cùng hấp lên thơm lừng, bầu nấu canh hến canh tôm đậm đà thơm phức. Mẹ bảo ăn bầu sẽ giúp tôi bớt nóng trong và khỏi chứng hay nhiệt, anh tôi đỡ sủi bụng mà tiêu hoá tốt hơn. Sau này tôi mới biết thêm nhiều công dụng từ quả bầu khi hỗ trợ cả hệ tim mạch, làm chậm quá trình lão hoá và giảm căng thẳng mệt mỏi của hệ thần kinh. Những công dụng to lớn thần kì lại ẩn chứa trong thứ quả mộc mạc chân quê, thứ quả đã gắn bó với nhà tôi mỗi độ xuân đi xuân về xanh cao biêng biếc.
Có những khi mẹ cha đi làm đồng về mệt tới rũ rượi như muốn lả đi, chỉ cần xuỳ xụp một bát cơm chan canh bầu cùng mấy quả cà còn luênh loang váng muối là tỉnh táo và khoẻ hẳn trong người. Nhớ ngày anh tôi bắt được mớ hến ở sông làng, nhớ ngày cha tôi cất được lưng rổ tép ở hồ thôn. Nồi canh bầu lại có dịp “khua chiêng gõ mõ” dọc ngang con ngõ. Mẹ cắt mấy quả bầu cho hàng xóm cạnh bên, người quen đến chơi nhà ngắm nhìn giàn bầu say sưa mà trầm trồ khen ngợi. Mẹ cắt cho họ mang về đôi quả mà nhận lại suốt những lời cảm ơn. Giàn bầu như dõi nghe, như mừng vui tự hào nơi đầu sân xanh niềm thơm thảo. Bầu ăn chẳng xuể, mẹ đựng vào thúng mang đi chợ, những quả bầu thân thương, suốt dọc đường ai cũng hỏi mua hết khi chưa kịp tới chợ.
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lo sợ khi thấy giàn bầu bị quăng quật sau một đêm giông bão bất chợt ngày xưa. Những lá bầu bạt đi nghiêng ngả, vài dây bầu buông thõng tả tơi, một góc giàn tre liêu xiêu chực như sập xuống…Rồi cha buộc lại giàn, mẹ cắt đi những đoạn thân đã gần đứt rồi nhấc những thân lành lặn còn ngổn ngang khe khẽ quanh giàn, quả non bị rụng xuống nhiều, những quả đẫy đà thật may vẫn còn cứng cáp. Một thời gian sau, khóm bầu hồi sức, những nhánh chồi mới lại đâm ra, ngọn bầu vươn tua tủa.
Khi giàn bầu vãn quả cũng là lúc dây bầu khô dần, lá bầu lặng lẽ quắt đi. Cha tôi để dành quả bầu già treo vào bếp cho khô để dành hạt giống cho vụ mới. Những hạt giống ấy rồi sẽ xanh mầm, xanh cây và đơm hoa kết trái như chính tổ tiên của mình đã bao mùa xuân hiến trọn. Nhìn cha giữ gìn hạt giống trên tay, lại đem phơi nắng mỗi ngày, tôi muốn đặt tên cho giàn bầu nhà tôi là giàn bầu hạnh phúc. Hạnh phúc luôn bắt đầu từ những điều giản dị yêu thương, hạnh phúc là khi cho đi hay khi đón nhận những điều dù bình thường mà thiêng liêng đẹp đẽ. Tôi tin trong cuộc đời này, còn bao hạnh phúc bắt đầu từ những điều nhỏ bé giản đơn mà đôi khi ta thờ ơ, ta bỏ quên hay chưa một lần nhận ra và lắng nghe cảm nhận. Mùa xuân đã thì thầm nói cho tôi về những điều tuyệt vời ấy…
Cha tôi vẫn giữ thói quen trồng bầu vào mùa xuân, mùa của muôn hoa muôn loài căng tràn nhựa sống. Tôi từng hỏi rằng vì sao cha không trồng bầu quanh năm, cha bảo vì lo những dây bầu không thích nghi kịp thời tiết mà còi cọc chậm lớn ít quả và nhanh tàn. Nên chọn đúng thời điểm để gieo trồng những hạt mầm ta vốn đã yêu thương và thấu hiểu. Cha thương khóm bầu như tình thương cha vẫn luôn dành cho mấy mẹ con tôi. Nhìn giàn bầu xanh rợp, nhìn ngôi nhà nhỏ nằm bình thản hiền hoà, chở che bao niềm đầm ấm suốt những năm tháng đã qua, ánh mắt của cha như mỉm cười vì hạnh phúc.
Tôi trở về thăm nhà lúc mùa xuân đang vào độ chín. Cùng cha ra vườn mà hái chút lá lốt, nhánh sả hay vài quả chanh. Kìa những quả bầu buông xuống mượt mà, những quả xám vỏ, khoằm cong bên chiếc giàn cách mặt đất chừng mét rưỡi. Cha bảo làm giàn thấp thế này dù đứng hay ngồi đều có thể hái quả. Mẹ bị hoa mắt chóng mặt chẳng thể bắc ghế mà trèo hái suốt một mùa bầu. Lưng cha gù đi theo số tuổi, đôi chân chậm dần và bàn tay không còn mau lẹ như xưa nữa. Cha tiều tuỵ bên chiếc ao bay màu xanh, màu áo lẫn vào giàn bầu mộc mạc, tảo tần chịu thương chịu khó. Lòng tôi dâng trào hạnh phúc lẫn nghèn nghẹn, đăng đắng nỗi niềm xót xa. Cả mẹ và cha đã cần mẫn một đời cho đến tận bây giờ vẫn không ngơi cần mẫn.
Bát canh bầu mùa xuân này vẫn còn nguyên hương vị bát canh bầu từ ngày xuân trong tôi thơ bé. Có vị yêu thương lo lắng, vị chăm bẵm ân cần vị khoan dung trìu mến. Vẫn đôi tay xưa của mẹ nấu, vẫn đôi tay xưa của cha trồng, niềm hạnh phúc thật mênh mông khi giàn bầu xưa và nay vẫn hiền hoà như lòng cha lòng mẹ. Những kỷ niệm tươi thắm lại ùa về bên mâm cơm sum vầy đủ đông, chính những giây phút này đây tới mai sau sẽ trở thành những kỉ niệm thiêng liêng ấm nồng còn thương và nhớ mãi. Giàn bầu mang niềm hạnh phúc ngọt ngào giữa mùa xuân, cho mẹ cha và ngôi nhà, cho anh em tôi từ khi còn tấm bé.
Mộc Nhiên