Gia tài thầy để lại
Chúng tôi đi dọc theo triền sông men theo những nương dâu đang mùa thay lá chỉ còn trơ ngọn phất phơ trong nắng chiều thu vàng vọt. Những cơn mưa mùa làm cho lớp đất trên con đường mòn ven bờ nhão ra bết đầy trên dép. Con đường ngày còn bé chúng tôi vẫn thường men theo lối tắt đến ngôi trường làng chẳng có đổi thay là mấy. Có chăng là những bụi rậm ven bờ và mấy cây lộc vừng nằm sát mé sông đã không còn nữa. Ba đứa chúng tôi sải những bước chân hoang hoải mặc cho những cơn gió chiều lành lạnh thổi làm lòa xòa mái tóc. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới trở lại nơi này, nơi lưu dấu bao ký ức ngọt ngào của những ngày còn bé cắp sách tới trường làng, nơi đã ươm mầm cho ước mơ đầu đời của chúng tôi bay xa và trở thành hiện thực.
Mấy đứa chúng tôi cứ bước đi lặng lẽ mà chẳng ai nói với ai một lời nào sau khi đưa tiễn người thầy mà chúng tôi hết mực yêu thương về với đất mẹ. Ký ức tuổi thơ của những ngày đầu đi học cùng thầy giờ cứ chực trào, thổn thức trong tim của những đứa học trò mái đầu giờ đã lốm đốm bạc. Có lẽ trong lòng mỗi chúng tôi lúc này đang miên man ngược về một miền xa lắc nên chỉ nghe tiếng của những đôi dép khua loạt xoạt vào đám cỏ ven đường. Sau khi tiễn thầy một đoạn đường trần gian cuối cùng, chúng tôi muốn đi lại trên lối mòn ngày xưa dù giờ đã vắng bước chân của người chèo chiếc đò làng. Những học trò nhỏ năm nào được thầy cưng chiều nhất đang lần những bước chân tìm về chốn xưa trong một chiều thu buồn lặng. Nhận được tin thầy Hồng ra đi, chúng tôi không phải quá ngạc nhiên vì căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ thân xác đến tận mấy năm trời lúc thầy vừa rời bục giảng nhận quyết định về hưu. Tôi kéo tay hai đứa bạn ngồi xuống vệ cỏ nơi ngả rẽ dẫn vào con đường đến ngôi trường làng nằm ở giữa đồng. Nga, cô bạn dạy ở thành phố đã lâu rồi không đi bộ trên những con đường đất gồ ghề giờ thấm mệt nên nằm sãi ra trên bãi cỏ mà thở. Tôi buông một câu phá vỡ không khí trầm lặng lúc nãy giờ:
- Tao nhớ nhất câu khuyên của thầy lúc rời trường làng. Câu nói như lời tiên tri đã gắn tao với nghiệp sư phạm “ráng học cho giỏi lớn lên làm cô giáo, thầy giáo nghen các con”.
Sau câu nói ấy, cả ba chúng tôi đứa nào cũng ngước mặt nhìn lên bầu trời chiều cố nén để tránh những đôi mắt ầng ậc nước cứ chực trào.
Ngày còn thơ bé, thầy Hồng là thần tượng của lũ nhỏ học trò ở ngôi trường làng này. Trong con mắt của đám học trò nheo nhóc đáng thương ngày ấy, thầy là người siêu phàm vì cái gì cũng biết, cũng làm được. Giọng nói trầm trầm của thầy lúc giảng bài đã cuốn hút tôi từ những ngày đầu được thầy dạy. Tôi thần tượng thầy chẳng khác gì giới trẻ bây giờ thần tượng mấy ca sĩ tận bên xứ Hàn. Chính tác phong, tính tình hiền hậu, gần gũi của thầy làm cho vô số những cô cậu học trò nghèo quần áo rách bươm trong cái xóm nhỏ này trở nên ham học. Trong cái cặp đi dạy nhăn nhún của mình luôn có sẵn kéo để cắt tỉa mái tóc vàng hoe vì rám nắng của mấy cậu trò nhỏ hay có cả cây kim, sợi chỉ để khâu lại mấy cái cúc áo vì ham chơi mà đứt. Trong những ngày mưa gió, thầy còn leo lên tận trên mái để thay mấy viên ngói vỡ cho khỏi dột hay che chắn cái cửa sổ cho chúng tôi khỏi bị gió lùa vì đứa nào ngày ấy cũng phong phanh tấm áo chẳng ra hồn. Chính tình thương như người cha dành cho những đứa con nhỏ mà thầy Hồng trở nên vĩ đại trong mắt của những đứa học trò nơi ngôi trường làng này. Ai ai cũng quý mến thầy từ người già đến con trẻ. Sự nhiệt thành của thầy như dành hết cho đàn trẻ thơ chỉ mong sao chúng tôi lớn khôn hơn để vượt qua cái lũy tre làng đầu xóm mà bơi ra biển lớn, để hơn thế hệ của thầy và ba mẹ chúng tôi. Thấy mấy đứa nhỏ trong xóm bỏ học đi chăn bò giúp gia đình, thầy xót xa nên hàng đêm cứ lặn lội đến từng nhà động viên rồi có khi kéo về nhà mình kèm thêm để chúng theo kịp bè bạn. Lòng nhiệt tình của thầy đã làm lay động nhiều bậc phụ huynh và nhờ thế mà nhiều bạn nhỏ trong cái xóm nghèo này thoát mù chữ.
Những ngày cuối cùng ở lớp năm trường làng, thầy quàng vai tôi căn dặn phải ráng học cho thật giỏi để sau này làm nhà giáo mà thay thế thầy dạy bảo các em nhỏ làm tôi rưng rưng xúc động. Chính hình ảnh của thầy và những lời động viên năm xưa ấy là nguồn động lực để tôi quyết tâm theo ngành sư phạm cho đến tận giờ. Trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống có lúc tưởng chừng như không vượt qua được, hình ảnh thầy Hồng đã giúp tôi trụ vững mà ở lại gieo cái chữ cho bọn trẻ nơi miền trung này. Những lần về thăm lại thầy nhân ngày nhà giáo, bao giờ chúng tôi cũng thấy nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt đã hơn nữa đời người gắn bó với con trẻ. Thầy đã dành hết thanh xuân và gần như cả cuộc đời của mình ươm những mầm cây non và gieo vào chúng tôi những bài học giá trị đầu đời để tạo đà cho những mầm cây ấy vươn xa hơn. Trong nụ cười ấy tôi thấy có cả sự mãn nguyện khi chúng tôi đã tiếp bước thầy như mong ước ngày xưa. Thầy luôn khuyên bảo chúng tôi lạc quan dù cho bây giờ xã hội có bạc bẽo với nghề sư phạm đi chăng nữa. Những năm sắp về hưu, thầy già đi từng ngày nhưng ngọn lửa nghề trong lòng vẫn âm thầm cháy đến những giọt dầu cuối cùng. Những tưởng nhận quyết định về hưu sẽ là lúc thầy rời bục giảng, buông những viên phấn trắng để vui thú điền viên tuổi già nào ngờ đâu cơn bạo bệnh lại ập đến. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh lúc tôi đến thăm, thầy vẫn ân cần cầm tay tôi dặn dò tiếp tục ở lại với nghề mà dạy dỗ các em nhỏ chứ đừng vì khó khăn chán nản mà bỏ. Thế mới biết nghiệp sư phạm đã vướng vào thầy đến những giây phút cuối. Tôi nắm chặt đôi tay gầy guộc, đôi bàn tay cầm phấn cả một đời người mà nước mắt cứ rơi mặc cho bao người qua lại nơi bệnh viện đông đúc vì biết rằng cái ngày rời xa đôi bàn tay ấy đã đến rất gần rồi. Vẫn biết vòng sinh lão bệnh tử của tạo hóa nhưng sao lại quá bất công với người thầy mà tôi hằng quý mến. Gia tài thầy để lại cho đời trước lúc xa lìa thế giới phồn thực này là những bài học làm người. Là tình thương vô bờ bến dành cho những đứa trẻ con nơi xóm nghèo. Là ước mơ mà thầy đã ươm mầm kể từ khi chúng tôi còn bé như cái kẹo. Là con đường đến với bầu trời bao la bên kia lũy tre ven sông mà những lúc giảng bài thầy hay nhắc đến. Hãy an nghỉ thầy nhé! Trường xưa vẫn còn mãi vang vọng tiếng thầy dù xác thân có về với đất mẹ. Em sẽ thay thầy tiếp tục chèo con đò nhỏ đưa những lữ khách đáng yêu cập những bến bờ lớn hơn. Thầy mãi mãi là thần tượng trong lòng của chúng em thầy ạ!
Gió từ dòng sông quê vẫn mãi thổi qua cánh đồng có ngôi trường làng giờ đã thay bằng ngôi trường hai tầng bề thế. Con đường vào trường đã bê tông hóa nhưng giờ như thênh thang hơn khi thiếu vắng những bước chân của thầy giáo già. Gió ơi hãy nhè nhẹ ru giấc thầy ta nhé để thầy được ngủ sau cả một đời người mệt nhoài. Trời đã tắt nắng từ lúc nào. Ba đứa học trò thả lòng mình theo những cánh chim chiều đang sải những đôi cánh mỏi về hướng núi nơi người thầy yêu dấu vừa yên nghỉ mà như muốn nhắn gởi những điều chưa nói hết cùng thầy. Tôi hối hai cô bạn của mình về kẻo không thấy đường đi vì lối mòn thân quen ấy giờ cũng trở nên xa lạ. Khoảng lặng hiếm hoi chiều nay chúng tôi dành tặng thầy mình cũng là phút giây cho những trái tim đã sắp già nua thổn thức những nhịp đập của thời con trẻ. Ngày mai chúng tôi lại trở về với công việc giảng dạy thường ngày và trong những lời giảng của những người học trò nhỏ ngày nào chắc chắn sẽ có chút gì trong “gia tài” mà thầy để lại.
Tác giả: Bùi Duy Phong