Giá mà con đổi thời gian được

Trong cuộc đời có những lúc, những điều ta lỗi lầm để rồi ân hận mãi, ân hận cho đến lúc lìa đời. Tôi đã ân hận vô cùng với mẹ tôi!


Chiếc xe đạp cọc cạch chở tôi và đứa con nhỏ đi trong sương lạnh, trong ánh trăng mờ mờ soi xuống đường và trong tiếng cú kêu từ hàng cây xa vọng lại nghe thê thiết khi tôi ra bến xe trở về nhà.

Tôi trở về khi nhận được bức điện tín với thông tin: Mẹ ốm nặng, e khó qua khỏi! Thời ấy thông tin liên lạc chỉ qua đường bưu điện và phương tiện nhanh nhất là điện tín mà bức điện đến với tôi cũng sau hơn một ngày.


Khi nhận được bức điện tôi như quay cuồng, không biết mình đã làm gì, cất gì, chuẩn bị gì, tôi làm mọi việc như trong cơn mê sảng để về nhà.


Ngày tôi rời quê, rời nhà, tôi không biết mình sẽ đi lâu và đi xa thế! Tôi bỏ lại sau lưng, bạn bè, kỷ niệm thời áo lụa và bỏ lại người mà tôi tưởng tôi không bao giờ xa được là mẹ tôi.


Tây Nguyên đón tôi vào mùa hoa quỳ nở, những đóa quỳ hoang dại vàng rực, một màu vàng kiêu sa mà buồn đến nao lòng. Những đêm dài ở Tây Nguyên trong tháng mười một, gió đông về lạnh buốt, đêm không ngủ được, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ tôi quay quắt, nhiều lúc tôi muốn quay về ngay trong đêm, nước mắt trào ra đẫm gối nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi dễ gì bỏ cuộc, bỏ sự nghiệp của mình!


Rồi tôi lấy chồng, sinh con, cuộc sống lôi tôi vào vòng xoay của công việc, nương rẫy và chăm sóc con cái. Gian nan, vất vả làm tôi không còn thời gian để nghĩ, để nhớ, có nhớ chăng tôi cũng tự an ủi mình rằng mẹ tôi vẫn khỏe, vẫn bình an! Chỉ khi trong đêm thâu, trong ánh đèn tù mù, tôi dạy con tôi bài tập đọc, viết về Mẹ với những câu chữ: “Mẹ mang nặng đẻ đau, sinh con ra từ một hòn máu đỏ. Ngay từ buổi lọt lòng ngày ngày mẹ bồng con trên tay. Bữa bữa mẹ cho con bú giòng sữa ngọt lành của mẹ và ru cho con ngủ ngon giấc…mẹ vui sướng biết bao khi lần đầu tiên con đã biết gọi: Mẹ!”, bài tập đọc làm tôi nhòe mắt. Con gái hỏi: Mẹ khóc hở mẹ? Tôi vội lấp liếm: Có hạt bụi nào rơi vào mắt mẹ. Và cả đêm ru con bằng những câu ca dao mẹ tôi ru tôi ngày xưa: “Mẹ già như chuối chín cây …” lòng tôi càng quặn thắt.


Mẹ tôi là người phụ nữ nông thôn nghèo, lấy cha tôi tuy là công chức nhưng hầu như cả cuộc đời mẹ tôi chịu đựng hy sinh.


Lấy chồng xa, mẹ tôi như bị tách ra khỏi nhà ngoại, xa anh em ruột của mình, xa bè bạn cùng thời, mẹ tôi một thân một mình đi làm dâu làng xa, có lẽ mẹ tôi cô đơn lắm! May cha tôi và bà nội tôi cũng hiền nên mẹ tôi như được bù đắp, an ủi.


Một đời vì chồng vì con, mẹ tôi không hề than vãn hay kêu ca chuyện gì. Cha tôi công việc xa nhà, lâu lâu mới về, việc nuôi dưỡng chăm sóc con cái là một tay mẹ tôi dù khi đau ốm hay khi học hành.


Mẹ tôi cả đời luôn vất vả, lam lũ vì con cái! Trong đầu tôi luôn in đậm hình ảnh mẹ tôi: Khi thì trong chiều mờ sương mẹ tôi từ ngoài đồng về quần còn ống xắn, ống vo, người dính đầy bùn đất với mớ rau dại trong nón. Khi thì trong sáng sớm mờ sương, lúc gà gáy canh năm, trời còn mờ tối và lạnh, bóng mẹ tôi in trên vách trong ánh lửa nấu cơm cháy bập bùng. Lúc thì đội bó đậu to về trong mưa ướt. Có món gì ngon ngọt cũng dành cho con cái. Lúc nào cũng: Mẹ ăn rồi con ăn đi! Suốt những năm tháng chúng tôi lo học hành mẹ tôi chịu đựng khó khăn để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, mẹ tôi không muốn con cái cũng khổ như mình.


Tôi đã về không kịp! Khi tôi về đến nơi, người ta đã đóng áo quan, đau đớn, xót xa, tôi ôm lấy quan tài của mẹ tôi: Mẹ ơi! Mẹ ơi!


Mấy chị em đưa mẹ ra đồng trong cái nắng trưa ui ui, trời cũng như muốn khóc nhưng nén lại nghẹn ngào. Rồi mọi người về hết, tôi lặng lẽ giữa đồng, tôi nhìn chén cơm cùng quả trứng mới thấy mẹ tôi cô đơn biết mấy…!


Vậy mà trong những tháng ngày khi mẹ tôi còn khỏe, tôi luôn bị công việc này, việc nọ kéo tôi, tôi chưa dành thời gian về chăm sóc mẹ tôi lấy một ngày! Mỗi lần tôi về, mẹ tôi đều vui mừng tưởng chừng như mẹ tôi trẻ lại bao nhiêu tuổi hay ai cho mẹ một món quà gì rất quý, có gì cũng dành cho tôi và các cháu. Khi tôi đi, mẹ tôi buồn lắm, đợi tôi ra khỏi nhà rồi lấy chéo áo chặm nước mắt.


Tôi càng ân hận hơn khi đọc câu chuyện về một cô gái nhỏ mua hoa hồng tặng mẹ mình, là người mẹ đã nằm trong nghĩa địa và người giúp cháu mua hoa, khi hiểu ra đã vượt hằng trăm cây số trong đêm về thăm mẹ mình kẻo sợ không kịp. Tôi đã không bằng cháu nhỏ và cũng không kịp tỉnh như vị đại úy kia!


Tôi cũng từng đọc một câu chuyện có cô gái kia làm việc ở bưu điện, công việc liên tục, cô cứ sợ cô nghĩ một ngày thư từ không luân chuyển được, tin tức quan trọng không đến được với người cần đến nó. Công việc miệt mài khiến cô không ngơi ra được, cô đã không về kịp khi mẹ ra đi! Người thay cô đưa mẹ cô ra nghĩa trang là một cô giáo đến dạy trong vùng. Chuyện này làm cô ân hận mãi và như mang gánh nặng trong lòng, cô cứ dằn vặt: “Chỉ có mẹ mới đặt được gánh nặng của cô xuống”… nhưng có bao giờ còn có nữa! Tôi thấy mình như cô gái kia, cứ gánh mãi gánh nặng trong tâm hồn !


Sau này đọc câu trong lời Phật dạy: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là tội bất hiếu” tôi càng ân hận!


Ở nơi tôi làm việc, mỗi lần có ai mất mẹ tôi đều khóc, tôi hiểu nỗi mất mát lớn lao của họ. Tôi khóc cho mình, khóc cho người, khóc vì tôi và họ mất đi chỗ dựa lớn lao nhất. Chị em cùng công tác cũng thường động viên tôi: Đừng khóc nữa em à, đừng tự trách mình nữa! Cuộc sống mà! Em làm tốt mọi việc trong đời cũng là một cách trả hiếu, một cách thực hiện điều mà khi sống mẹ em hằng mong ước, chẳng phải vậy sao? Đừng khóc nữa! Nhưng tôi không hết nỗi ân hận của mình, tôi ước chi thời gian quay ngược lại ….


Sau này lâu lâu tôi lại về nhà, đứng dưới vườn xưa và nhớ lại lời sư ông Nhất Hạnh:
“Mười năm vườn xưa xanh tốt
hai mươi năm nắng dọi lều tranh
mẹ tôi gọi tôi về
bên bến nước rửa chân
hơ tay trên bếp lửa hồng
đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.
tôi không bao giờ khôn lớn
kể gì mươi năm, hai mươi năm, ba mươi năm”


Phải, tôi đã không bao giờ khôn lớn!
“Ví mà tôi đổi thời gian được!” Giá như con đổi thời gian được! Mẹ ơi !


Lê Phượng

Giá mà con đổi thời gian được
Giá mà con đổi thời gian được
Giá mà con đổi thời gian được
Giá mà con đổi thời gian được

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |