Em còn nhớ hay em đã quên
Em còn nhớ hay em đã quên được chọn làm nhan đề cho một tuyển tập 50 tình khúc Trịnh Công Sơn do NXB Trẻ – TP.HCM ấn hành tháng 4.1991. Khi in xong, một số được chuyển ra giới thiệu tại Hà Nội, lúc ấy Thái Bá Vân đang nằm trên giường bệnh đã nhận được một cuốn từ tay nhạc sĩ Văn Cao đưa tặng và đã nhận xét: “hơi nhạc có ma lực xa xăm, sâu kín của Trịnh Công Sơn trước sau là một, chưa bao giờ nó có hạn hẹp, chia lìa, một hơi nhạc đằm thắm và siêu hình, như phấp phỏng hoang vắng về những nỗi đau con người trước ý nghĩa của cuộc đời và hy vọng. Nhưng tài năng của anh lại làm ta an tâm, rằng cái thế giới bàng hoàng thao thức kia không có cách nào khác để bày tỏ ngoài cách của nghệ thuật. Bởi thế mà cả nghệ thuật và chúng ta đều có thể biết ơn anh” (tháng 6.1991).
Riêng bài Em còn nhớ hay em đã quên, Thái Bá Vân kể: “Tôi được nghe chính Trịnh Công Sơn hát tại một gia đình Sài Gòn đã lâu (có lẽ đó là mùa hè 1982) quanh nhiều khuôn mặt một thời tăm tiếng. Ví dụ bà thi nhân Mộng Tuyết – vợ cố thi sĩ Đông Hồ, nhà thơ già Bàng Bá Lân và bữa cơm là do đôi bàn tay văn hiến Hà Nội của bà Vũ Hoàng Chương điều khiển, hôm ấy có một người phản ứng bài hát của Sơn khá mạnh… Trịnh Công Sơn vẫn hiền hậu mỉm cười, không đáp và bấm đàn hát tiếp: Em ra đi nơi này vẫn thế… Thành phố vẫn có những giấc mơ, vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên con đường đi… Em còn nhớ hay em đã quên. Một lần nữa tôi thấy ngọn nến lung linh xanh ngát trong mọi ca khúc của anh, dịu dàng hắt lên khuôn mặt quê hương thứ ánh sáng ám ảnh, huyền thoại, như trên hội họa của một Georges de la Tour (1593-1652), mà mãi đầu thế kỷ 20 người ta mới nhận ra”.
Buổi họp mặt trên không ai biết bài ấy Trịnh Công Sơn đã chép tặng Dao Ánh (đang ở Mỹ) và sáu tháng sau ngày phát hành tuyển tập Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh Công Sơn có thư gửi Dao Ánh, với đoạn viết về diện mạo của đường phố Sài Gòn cách đây 20 năm và tự phác họa đôi nét về ông ngày đó.