Đục thủy tinh thể là gì ?
Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt nằm ở phía bên trong mắt, 2 mặt lồi, trong suốt, trung bình ở người trưởng thành dày 4mm và rộng 9mm. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ, điều tiết để tập trung các tia sáng đi vào võng mạc tạo hình ảnh sắc nét rõ ràng, giúp ta có thể nhìn thấy mọi vật.
Đục thủy tinh thể (hay đục nhân mắt, bệnh cườm đá, cườm khô) là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi dưới tác động của các chất gây hại sinh ra từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài.
Cấu trúc protein bị xáo trộn, kết đám lại và làm thay đổi độ cong, độ trong, độ đàn hồi và độ dày của thủy tinh thể, khiến thủy tinh thể mờ đục, giống như một tấm kính bám đầy bụi hoặc phủ sương mù. Từ đó cản trở, không cho ánh sáng đi qua, gây suy giảm thị lực, người bệnh khó khăn trong các hoạt động thường ngày như lái xe, đọc sách báo…, thậm chí gây biến chứng mất hẳn thị lực nếu tình trạng kéo dài.
Đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp ở người trên 50 tuổi. Bệnh diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì.