Dưa hành ngày tết
Hành trong Đông y gọi là “Thông bạch”, vị cay, nóng, có tác dụng thông dương khí đào thải uế khí, giải độc, làm lưu thông khí huyết, kinh lạc. Nó còn có tác dụng làm ấm tỳ vị và tiêu hóa chất mỡ. Có tác dụng làm giảm đau các khớp khi bị nhiễm lạnh. Cho nên các cụ xưa dạy: “Thịt mỡ đi đôi với dưa hành” để ăn trong những ngày Tết là với cái lẽ đó. Khi lên men củ hành, những lợi khuẩn probiotic trong đó sẽ giúp phá vỡ cellulose khó tiêu hóa trong thực phẩm, cũng như một số loại đường tự nhiên. Ngoài giữ cho thực phẩm lên men ít có khả năng bị hư hỏng nó còn làm tăng vi khuẩn tốt trong đường ruột của người ăn. Các chất chống oxy hóa chứa trong dưa hành có tác dụng chống lại các gốc tự do được hình thành tự nhiên ở cơ thể. Chúng thường là những hóa chất có thể làm tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa cơ thể.
Nguyên liệu:
- Hành củ 1 kg
- Muối 70 gr
- Đường 1 muỗng canh
- Dấm 2 muỗng canh
Cách thực hiện:
- Đầu tiên, bạn hãy nhẹ tay cắt bỏ rễ hành và bóc bớt đi lớp vỏ già bên ngoài, rửa hành thật sạch và vớt ra rổ để ráo nước.
- Tiếp theo, cho nước, đường, muối vào xoong và đun sôi. Sau đó, cho 2 thìa dấm vào hỗn hợp nước muối vừa đun sôi khi còn hơi ấm. Cho hành củ đã rửa sạch vào hủ rồi đổ nước muối sao cho ngập hết lượng hành.
- Để hành muối ngon nhất, bạn nên ngâm hành trong khoảng 7 - 10 ngày và có thể lâu hơn nếu trời lạnh hoặc hành già để hành có thể thấm kĩ hơn và món dưa hành muối sẽ ngon hơn.
- Sau thời gian từ 7 đến 10 ngày, bạn hãy vớt hành ra và ngâm vào nước muối loãng sẽ giúp hành để được lâu hơn và không bị nát.
- Khi ăn, bóc bớt vỏ, cắt đầu và cuống hành rồi trộn với chút ớt bột để nhìn đẹp mắt hơn.