Dưa hành muối
Trong mâm cỗ Tết, bên cạnh những món như canh măng, bánh chưng, thịt đông… thì không thể thiếu được món dưa muối. Dưa muối trong mâm cỗ tết thường là dưa kiệu và dưa hành. Dưa hành là món ăn không thể thiếu cho những ngày tết, chống ngán cho những bữa cơm nhiều thịt. Dưa hành khi chín có vị chua dịu nhẹ, hết hăng trong một khoảng thời gian tương đối dài tính từ khi bắt đầu muối. Tùy thuộc thời tiết, loại hành và phương thức muối dưa, dưa cần được làm trước tết cả tháng (với hành để nguyên không bóc bỏ bẹ già, chỉ dùng muối như gia vị chính) hoặc nửa tháng (với hành bóc vỏ), hay một tuần (với chút dấm, rượu trắng và đường gia thêm vào vại dưa để sản phẩm nhanh chua) để kịp bày lên mâm cỗ tết. Dưa ngon nhất khi củ hành có màu trắng nuột, độ chua vừa phải không bị hăng cay, ăn giòn và không bị ủng nẫu.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại, các món ăn bổ sung vào mâm cơm ngày Tết ngày một phong phú, nhưng thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh là những món ăn không thể thiếu, làm nên không khí ngày Tết cổ truyền của người Việt. Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) để chống ngấy trong những ngày tết. Những chất đạm, chất béo của mâm cao cỗ đầy ngày Tết được vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành chế hóa, vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể tiêu hóa đồ ăn. Với việc muối dưa bài bản và giữ gìn vệ sinh cẩn thận, vại dưa hành cũng có thể để rất lâu không hỏng dành ăn hàng tháng sau tết.