Đom đóm ngày xưa
Bây giờ, vào những đêm đầu hè, tôi lại mơ thấy mình xắn quần, lội trên con đường ngập nước trong vắt để đi theo một đàn đom đóm. Đó chính là trải nghiệm của chính tôi hồi còn bé, bị cuốn hút bởi ánh sáng xanh mờ ảo, mê dụ, có phần ma quái của loài vật kỳ lạ. Những vệt cỏ xanh mềm như tơ nổi lên mặt nước thành hai hàng dài nhắc tôi biết đâu là đường, đâu là ao.
Đom đóm bay theo từng đám như sao sa, chi chít, lúc thấp lúc cao dẫn tôi đến một rặng hoa bươm bướm trắng hoặc cây hoa men ngay đầu dốc gần nhà bà nội. Mùi hoa men sực nức bay trong cái không gian liêu trai mờ ảo, tôi có lúc đã nghĩ, cảnh này chỉ có ở trong phim hoạt hình thôi nhưng không, nó ở ngay trước mắt, đom đóm bay vài vòng, rồi dạt cả vào một bụi cây.
Bóng chúng làm mặt nước bỗng sáng lên. Tôi nhao theo những quầng sáng, vượt qua con đường để đến bờ ao cao hơn. Cái ao bèo rộng thế mà vèo một cái, đám đom đóm liệng qua liệng lại. Tôi đứng ngẩn ngơ, vừa thích thú, vừa sợ dưới hai hàng tre cao vút, rậm rạp. Có tiếng đập cánh và tiếng kêu thảng thốt của lũ vạc bay đêm. Mọi con đường trong làng đều tối nhờ nhờ dưới trăng suông.
Hồi đó chưa có điện. Có lẽ vì thế mà qua ánh sáng của đom đóm, bọn tôi thấy cảnh vật đẹp hơn… Những bông gạo rụng từ tuần trước nằm lăn lóc bên bến sông. Bà tôi vẫn hay nói: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì ta gieo vừng”. Nhưng có lẽ, mùa màng là của người lớn, còn chúng tôi, chỉ quan tâm đến những trò chơi của mình, quan tâm đến mọi ngóc ngách quanh làng. Cái làng nhỏ của tôi hồi ấy là cả một thế giới thần tiên.
Chỗ nào có cây gì, hoa gì, con vật gì, bọn tôi biết hết. Vạt đồi nào có sim mua chín, bờ đầm nào có cây vú bò quả đang ương, quả mâm xôi đang mọng dần bọn tôi đều bí mật đánh dấu. Chỉ loáng cái buổi trưa, cả lũ đã trốn nhà đi hái đủ loại quả dại mang về chia nhau ăn. Buổi tối, bọn tôi chạy rầm rầm trên con đường dẫn từ nhà qua cánh đồng lúa ra bờ đê, hăm hở đuổi bắt đom đóm cho vào mấy cái lọ thuốc bé xíu.
Mỗi khi bố tôi kể chuyện hồi đánh Mỹ, ông hành quân xuyên đêm qua rừng Trường Sơn, cũng tháng Tư này, nhiều lúc đã đi theo một đàn đom đóm dẫn đường, tôi lại ước cái rừng tạp ngay gần nhà tôi sẽ có thật nhiều đom đóm. Bà tôi thì bảo đó là ánh sáng ma trơi, đừng có đến gần. Mẹ tôi thì sợ đom đóm vô cùng. Hôm nào trời trở gió, con đom đóm khổng lồ to bằng quả trứng chim bay lạc vào nhà, đậu lên tường hoặc bàn thờ thì mẹ tôi vội vàng khấn cho nó bay ra, rồi mẹ bảo đấy là “các cụ về”.
Mắt mẹ lạc đi mỗi khi nhìn thấy đom đóm bay vào sân. Tôi lúc đầu cũng hơi sợ, nhưng sau thì thích lũ đom đóm. Tôi luôn nhớ đến tất cả những cánh đồng, rặng cây có nhiều đom đóm, ở làng tôi và trên làng bà ngoại. Sau này, khi đã thành mẹ của hai đứa con, tôi mới được xem bộ phim “Căn hầm đom đóm” của Nhật Bản. Tôi đã suýt khóc và reo lên, cảnh tượng đom đóm bay trong căn hầm dài trong phim đúng là cảnh đom đóm dẫn tôi đi dọc đường làng hun hút năm nào. Hóa ra vẻ đẹp của thế giới tuổi thơ ở bất kỳ quốc gia nào đều có nét giống nhau. Đom đóm – loài côn trùng thân mềm màu nâu, cánh cứng có khả năng phát sáng trong đêm tối đã trở thành một phần ký ức tôi, đầy da diết.
Theo những gì tôi đọc được thì đom đóm đực mới có cánh, còn con cái không có cánh mà có cặp mắt kép, nhấp nháy sáng tại chỗ. Chúng ngủ suốt mùa đông dưới lớp vỏ cây hay dưới hốc đất để mùa hè phát sáng tìm bạn tình, duy trì mùa giao hoan. Cuộc đời đom đóm ngắn ngủi chỉ chừng hơn một tháng. Nơi nào có đom đóm là nơi ấy môi trường thiên nhiên trong lành, sinh thái cân bằng. Làng quê Việt đẹp hơn khi có đom đóm bay.
Ánh sáng nhấp nháy của đom đóm chính là nghệ thuật sắp đặt hoàn hảo của tạo hóa, chính vì thế mà ngày nay, trên thế giới, nhiều nơi đã dùng hàng triệu con đom đóm để tạo nên sự kỳ ảo thu hút khách du lịch. Ở Vũ Hán -Trung Quốc có cả công viên đom đóm, ở New Zealand có hang động đom đóm. Người Thái Lan có cả một tua du lịch trải nghiệm đi thuyền xem đom đóm, có cả một dòng sông đom đóm xen giữa rừng tạo trải nghiệm kỳ thú khó quên. Ở Việt Nam, đom đóm cũng đã manh nha được dùng vào du lịch tại Tiền Giang, Cần Thơ nhưng đã sớm phá sản. Mấy năm nay, chớm hè, bắt đầu mưa rào tôi đều về thăm quê, ngủ lại căn nhà thơ ấu để tìm gặp đom đóm ngày xưa, nhưng thật buồn, tôi chưa gặp được đám đom đóm nào như hồi bé. Họa hoằn có vài con cô đơn bay phía cuối vườn. Chứng tỏ làng quê chúng ta cũng đã bị ô nhiễm, bị mất cân bằng trầm trọng. Giữ lại và bảo vệ những con đom đóm còn là chuyện bảo đảm một môi trường sống trong lành cho con người. Đêm hè ở quê vắng đom đóm bỗng trở nên hao khuyết và khô cằn. Lũ trẻ bây giờ sẽ ít thấy được cái đẹp kỳ ảo của thiên nhiên. Mỗi lúc chợt bắt gặp mùi thơm của lúa khi đi qua một cánh đồng nào đó lúc trăng non, tôi lại xôn xao nhớ về đom đóm ngày xưa…
Sưu tầm