Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư thực quản
Ung thư thực quản phổ biến trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa và có tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng tại nhiều nước ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Dưới đây là 5 nhóm đối tượng được các chuyên gia cảnh báo có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn cả.
- Ăn uống thiếu khoa học: Thói quen ăn, uống quá nóng, ăn các loại thực phẩm có hàm lượng nitrosamin cao như thực phẩm ướp muối (cá muối, thịt muối, dưa cà muối…) làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Ăn quá nóng khiến niêm mạc thực quản dễ bị tổn thương và dần mất đi chức năng và độ nhạy, tạo điều kiện cho các tế bào lạ tấn công khiến vùng thực quản dễ bị lở, loét, nhiễm khuẩn và biến chứng ung thư; Bên cạnh đó, nitrosamin và các hợp chất N-nitroso khác là những chất gây ung thư, đã được chứng minh khi thực nghiệm trên động vật. Hợp chất này được tạo ra khi nitrit và amin kết hợp trong môi trường dạ dày…
- Nghiện thuốc lá, rượu bia: Nghiện thuốc lá là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nghiện thuốc lá làm tăng 8-10 lần nguy cơ ung thư thực quản. Hút thuốc lá thời gian càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Ngoài thuốc lá, nghiện rượu, bia cũng làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản. Nguyên nhân được giải thích là do khi đi vào cơ thể, ethanol chuyển hóa thành acetaldehyde kích hoạt đột biến gen, tạo điều kiện cho ung thư phát triển. Người có cả 2 thói quen hút thuốc lá và uống rượu, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nhiều lần.
- Mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, Barrett thực quản: Trào ngược dạ dày - thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản do lớp lót thực quản thường xuyên tiếp xúc với các acid trong dạ dày. Tình trạng viêm kéo dài cũng làm cho niêm mạc thực quản bị biến đổi, dẫn tới Barrett thực quản – tiền ung thư. Những người mắc bệnh cần điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng.
- Thừa cân, béo phì: Nghiên cứu từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kì cho biết những người thừa cân trong độ tuổi 20 có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn 60 – 80% so với những người duy trì cân nặng bình thường, khỏe mạnh trong suốt cuộc đời của họ. Giải thích về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư thực quản, các bác sĩ cho rằng người béo phì dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày do lượng mỡ tích tụ quanh vùng bụng, gây áp lực lên dạ dày và co thắt thực quản dưới, làm axit dễ bị trào ngược. Trong khi đó, trào ngược dạ dày lại chính là yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản, cũng như ung thư dạ dày.
- Bị tâm vị mất giãn: Bệnh tâm vị mất giãn (Achalasia) là bệnh cơ thắt dưới của thực quản không còn khả năng tự mở ra khi có phản xạ nuốt. Chính vì vậy, thức ăn và chất lỏng có xu hướng tồn đọng ở phần thực quản dưới làm cho các tế bào lót tại vùng thực quản này dễ bị kích thích. Các chuyên gia cho biết, những người mắc bệnh tâm vị mất giãn có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến sau 15 – 20 năm sau khi được chẩn đoán bệnh.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư thực quản nên quan tâm đến khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kì để có thể phát hiện bệnh sớm, ngay khi ung thư chưa có biểu hiện.