Đoạn văn số 2: Áp lực học tập của học sinh ngày nay
Ngày nay vấn đề về học tập của các bạn học sinh đang được mọi người quan tâm rất nhiều. Có ai đã từng đặt câu hỏi rằng: Đằng sau những bảng thành tích và điểm số mà con em mình đã đạt được đổi lấy bao nhiêu đêm thức trắng? Quả thực một bảng thành tích đẹp, điểm số cao trong khối lượng kiến thức khổng lồ thì học sinh đã phải cố gắng, lao lực và ngủ ít nhất có thể? Trên thực tế, việc học tốt ở trường có rất nhiều áp lực. Khối lượng kiến thức quá nhiều, môn học quá nhiều khiến các bạn phải hoàn thành bài vở, ở trường và học hành chăm chỉ cho các kỳ thi. Áp lực về kế hoạch học tập, áp lực về điểm số, áp lực về thứ hạng khiến cho học sinh trở nên mệt mỏi. Ngoài ra, sự căng thẳng trong cuộc sống xã hội, sự căng thẳng thể chất do một số thay đổi về cảm xúc ở lứa tuổi non nớt này có thể khiến thanh thiếu niên trở nên bối rối, căng thẳng nặng nề hơn. Tóm lại, có rất nhiều lý do có thể khiến học sinh bị áp lực, thậm chí còn gây ra phản ứng bạo lực, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe. Áp lực học tập càng kéo dài sẽ gây nên nhiều hậu quả tiêu cực như thường xuyên chán chường và mất hứng thú khi học tập. Dần dần học sinh đánh mất niềm vui, sự hào hứng khi đến trường và có tâm lý học tập để hoàn thành nhiệm vụ. Tâm lý bất ổn bao gồm buồn bực, bi quan, dễ tức giận và giảm các cảm xúc tích cực như vui vẻ, hào hứng, phấn khởi... Học sinh luôn cảm thấy mông lung, không hiểu rõ bản thân thích gì và khó định hướng được tương lai. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần phải chú ý đến biểu hiện của con trẻ để kịp thời tìm biện pháp khắc phục. Cần phải thay đổi cách đánh giá về kết quả học tập. Không nên dựa vào điểm số mà hãy nhìn nhận vào cả quá trình và những kiến thức học sinh dung nạp được. Ngừng so sánh con mình với con người ta, và hãy đặt địa vị của mình vào con trẻ. Hãy thấu hiểu và cảm thông, ủng hộ những mong muốn, ước mơ của con em mình.