Đoạn văn nghị luận số 5
Xã hội hiện nay ngày càng phát triển nhờ vào sự cần thiết phải biết sống cống hiến của mỗi cá nhân. Cống hiến là sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng và trí tuệ của mình để đóng góp cho lợi ích chung của xã hội. Sống cống hiến là không màng đến lợi ích cá nhân mà làm hết mình vì lợi ích chung, vì sự phát triển của một tập thể, một cộng đồng,... Cống hiến ngay từ những gì nhỏ nhất: ta có kiến thức ta vận dụng để minh, sáng tạo; ta có cơ bắp ta lao động để tạo ra của cải vật chất; ta có trái tim ta lan tỏa tình yêu thương và năng lượng tích cực cho nhân loại. Trong thời chiến, Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, các anh hùng Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi... đã hi sinh cuộc đời khi ở độ tuổi đẹp nhất để cống hiến cho đất nước mà không cầu lợi danh. Trong thời bình, các y bác sĩ lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang chống dịch covid, những người chiến sĩ biển đảo xa xôi sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc bên gia đình để làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Vì vậy rất cần thiết phải biết sống cống hiến bởi cống hiến không chỉ giúp chúng ta có được những hiểu biết sâu rộng, có nền tảng vững chắc cho tương lai mà còn đưa đất nước ngày càng phát triển, hòa nhập với thế giới một cách bình đẳng và khẳng định được vị thế. Tuy nhiên, bên cạnh những con người đã và đang cống hiến thì còn tồn tại một số bộ phận con người sống lười nhác, ích kỷ, chỉ nghĩ đến vụ lợi của bản thân mà không muốn đóng góp cho cộng đồng. Họ chỉ nghĩ xem họ làm có được nhận lại gì hay không, có lợi cho họ hay không. Đó không phải là một phong cách sống đẹp. Với tư cách là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi hiểu rằng mình cần phải nỗ lực miệt mài học tập, rèn luyện hơn nữa để cống hiến và đóng góp thật nhiều cho đất nước, cho xã hội,... dù là những gì nhỏ bé nhất.