Đoạn văn nghị luận số 5
Căn bệnh lười biếng là một căn bệnh vô cùng nguy hại và ngày càng trở nên phổ biến trong mỗi con người của thế kỉ XXI hiện nay. Vậy lười biếng là gì, người lười biếng là người như thế nào? Lười là trạng thái không muốn làm gì, không chịu vươn lên, không thích cố gắng, ngại làm tất cả mọi thứ. Người lười biếng là người không chịu lao động bằng sức lực của mình, không chịu hoạt động đầu óc, không chịu suy nghĩ và luôn thụ động, lúc nào cũng ỷ lại vào người khác, ỷ vào sự hỗ trợ của máy móc công nghệ,...Trong cuộc sống hằng ngày, ở bất kì ai, bất kì đâu, ta cũng bắt gặp những con người lười biếng: Người thì lười ăn, lười nói chuyện, lười đánh răng rửa mặt, lười tắm, có người lười đọc sách, lười suy nghĩ,... nhưng căn bệnh phổ biến nhất là lười làm việc, lười học ở giới trẻ hiện nay. Nhìn chung, bệnh lười tồn tại ở nhiều dạng, hình thái khác nhau và dần dần ngấm vào con người, trở thành một căn bệnh vô cùng nguy hại, bào mòn nhân cách của mỗi chúng ta. Lười ăn, lười tập thể thao, lười rèn luyện, vận động sẽ khiến ta trở nên suy nhược về thể chất, người trở nên ì ạch gây ra nhiều loại bệnh tật. Lười lao động, lười làm việc sẽ khiến ta không có cái ăn, cái mặc... Lười học, lười đọc sách, lười trau dồi tri thức sẽ khiến đầu óc tăm tối, trở nên ngu muội, không theo kịp xã hội. Căn bệnh này nếu không được "điều trị" một cách đúng đắn, sẽ trở thành thói xấu khó bỏ. Vậy nên, mỗi chúng ta khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, cần rèn luyện cho mình tác phong, nề nếp, kỉ luật tốt, luôn chăm chỉ, cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ vươn tới những điều tốt đẹp để trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân có ích cho gia đình, xã hội, bởi "Trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng".