Điều trị xơ gan
Nguyên tắc điều trị: điều trị nguyên nhân gây xơ gan nếu có thể, tăng cường chức năng gan, dự phòng các biến chứng và điều trị biến chứng nếu có.
Điều trị nguyên nhân: một số căn nguyên gây gan xơ hóa và xơ gan có thể điều trị như: dùng thuốc kháng virus (tenofovir, entecavir,…) với viêm gan virus B mạn, thuốc ức chế virus trực tiếp (sofosbuvir, velpatasvir, daclatasvir, ribavirin,…) với viêm gan virus C mạn; ngừng sử dụng rượu bia với xơ gan do rượu,…
Tăng cường chức năng gan: trong giai đoạn xơ gan mất bù, yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối; chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và chất đạm, bổ sung hoa quả tươi và vitamin, bổ sung các acid amin cần thiết; trường hợp có cổ trướng cần giảm lượng muối cung cấp vào; truyền các chế phẩm máu như huyết tương tươi đông lạnh, Cryo,… khi có chỉ định. Người bệnh có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ tế bào gan, lợi tiểu, tăng thải trừ mật,…
Dự phòng biến chứng và điều trị một số biến chứng nếu có:
- Cổ trướng và phù: người bệnh cần ăn giảm lượng muối đưa vào (ăn nhạt, hạn chế truyền muối,…), chỉ định thuốc lợi tiểu (furosemide, Verospiron hay Spironolacton, bổ sung albumin,… Chọc dẫn lưu ổ bụng khi điều trị nội khoa cải thiện ít, nối thông cửa - chủ để giảm áp lực tĩnh mạch cửa,…
- Thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa và thuốc dự phòng giãn tĩnh mạch thực quản. Thắt tĩnh mạch thực quản khi nội soi đường tiêu hóa có chỉ định.
- Điều trị nhiễm trùng: bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng dịch cổ chướng, nhiễm trùng phổi, nhiễm khuẩn huyết. Lựa chọn kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm trước khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ.
- Hội chứng não gan: thụt Lactulose, sử dụng thuốc tăng thải trừ NH3, chống phù não, lọc thay thế huyết tương,...
- Điều trị ung thư gan: nút mạch, phẫu thuật loại bỏ khối u, hóa trị,…
Ghép gan: là biện pháp hiệu quả tuy nhiên tìm được nguồn gan ghép là khó khăn.