Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 3
Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hoá khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc. Tiêu biểu là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm vừa là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Vẻ đẹp ấy đã ngời lên thật trọn vẹn qua diễn biến tâm trạng Mị và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật này qua đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài.
Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài; phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa, họ thành vợ chồng. Được cán bộ A Châu giác ngộ cách mạng, A Phủ trở thành tiểu đội trưởng du kích cùng Mị đánh Pháp bảo vệ dân làng. Đoạn trích trong sách giáo khoa là phần thứ nhất của tác phẩm. Trong tác phẩm này, diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân được xem là ấn tượng nhất – thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy của Tô Hoài trong việc miêu tả tâm lý nhân vật.
Trong tác phẩm này, nhà văn không hề dùng mỹ từ nào để tả cái đẹp của Mị, nhưng vẻ đẹp ấy vẫn hiện lên qua chi tiết: “trai đến đứng nhẵn vách đầu buồng Mị”. Mị chính là bông hoa ngát hương của núi rừng Tây Bắc. Cô có một cuộc sống tự do, hạnh phúc, vô tư giữa tháng ngày tuổi trẻ. Cô gái vùng cao ấy, mỗi khi tết đến xuân về thường làm bao kẻ si tình chết mê, chết mệt bởi tiếng sáo. Mị thổi sáo giỏi “thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.
Không chỉ đẹp người, cô gái ấy còn đẹp nết. Mị giàu lòng hiếu thảo, có tình yêu lao động, yêu tự do, giàu lòng tự trọng. Tô Hoài đã đặt vào miệng Mị tất cả những phẩm chất cao quý ấy qua lời nói đầy tha thiết với cha già: “con nay đã biết cuốc nương làm ngô” (tình yêu lao động); “con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố” (lòng hiếu thảo); “bố đừng bán con cho nhà giàu” (giàu lòng tự trọng).
Mị có cuộc sống thống khổ, là nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi, bị tước đoạt tự do, hạnh phúc cá nhân: mở đầu tác phẩm, nhà văn đã giới thiệu nhân vật một cách ấn tượng: “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Lúc nào cô ấy cũng “cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Dáng vẻ ấy của Mị gợi ra hình ảnh một con người có số phận đau khổ.
Tìm hiểu vào truyện, ta thấy Mị là nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi, bị tước đoạt tự do, hạnh phúc cá nhân, cuộc sống tủi nhục hơn trâu ngựa: “Bây giờ thì Mị cũng tưởng mình là con trâu, mình cũng là con ngựa…”. Tâm lý cam chịu, buông xuôi, cách sống âm thầm, lặng lẽ đã in dấu sâu đậm lên dáng vẻ bên ngoài của Mị: “Mỗi ngày Mị càng không nói, cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Cô gái trẻ ấy chỉ biết “ngồi trong cái lỗ vuông ấy trông ra đến bao giờ chết thì thôi”. Thiên nhiên mùa xuân tác động đến Mị: đó là một mùa xuân rộn rã âm thanh, sắc màu của “váy hoa xoè như con bướm sặc sỡ” hoà trong “gió rét thổi vào cỏ gianh vàng ửng”; tiếng trẻ đợi tết chơi quay cười ầm trên sân trước nhà. Chính cái náo nức của đất trời cũng là cái náo nức của lòng người.
Khi nghe tiếng sáo gọi bạn “lấp ló ngoài đầu núi”: Mị thấy trái tim mình “thiết tha, bổi hổi”, Mị ngồi “nhẩm thầm” lời bài hát của người đang thổi sáo. Tiếng sáo ấy đã lâu rồi không thổi, bài hát ấy từ lâu cũng đã quên. Nhưng hôm nay Mị vẫn nhớ, vẫn thuộc, vẫn nhẩm thầm. Vậy là Mị chưa có nghĩa đã hoàn toàn vô cảm. Hay nói đúng hơn, chính tiếng sáo là tác nhân đã lay động sâu xa tâm hồn Mị và đánh thức quá khứ cùng hiện tại của Mị. Tiếng sáo là một ẩn dụ cho tự do, cho tuổi trẻ và ký ức đẹp tươi của cô gái trẻ người Mèo. Tiếng sáo cũng chính là men tình đã đánh thức tâm hồn và lý trí của Mị.
Sau khi nghe tiếng sáo: “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Đây thực chất là một “cuộc nổi loạn nhân tính” của Mị. Cách uống ấy là sự dồn nén của những ẩn ức, phẫn uất nên uống rượu mà cứ như nuốt cay nuốt hận vào lòng. Rượu làm Mị say “ngồi trơ một mình giữa nhà”. Nhưng “lòng Mị thì đang sống về ngày trước”. Mị đi đi về về giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại; tỉnh và say…. Mị nhớ về thời con gái của mình “ngày trước Mị thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Nhưng đối lập với ký ức tươi đẹp ấy là hiện tại đầy tủi nhục của Mị “A Sử chẳng bao giờ cho Mị đi chơi tết”.
Căn buồng là địa ngục, ngoài kia là thiên đường. Thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau có một ô cửa bằng bàn tay. Nhưng sự tủi nhục không ngăn được lòng yêu tự do của Mị. Bởi: “đã từ nãy Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Những từ ngữ như “phơi phới”, “đột nhiên vui sướng”… như diễn tả tận sâu thẳm niềm khao khát của Mị. Mị nhận ra “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Câu văn sử dụng phép điệp: trẻ lắm, còn trẻ,…kết hợp kiểu câu đơn ngắn làm nhịp điệu câu văn dồn dập, góp phần cho thấy tình yêu tự do và ý thức về bản thân chưa bao giờ bị dập tắt trong Mị. Nó giống như hòn than âm ỉ cháy trong lớp tàn tro giờ có dịp bùng cháy.
Mị lại tủi thân khi nghĩ về A Sử: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Như vậy, khi linh hồn đã trở về, Mị không chỉ ý thức được giá trị của tinh thần mà còn ý thức được hoàn cảnh sống nghiệt ngã. Muốn chết cũng là sự thể hiện rất mãnh liệt sức sống tiềm tàng ẩn chứa trong tâm hồn cô gái Mèo. Nhưng trong cảm xúc đầy bi kịch và sự tuyệt vọng ấy, tiếng sáo lại đến: “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”. Tiếng sáo đầy mê hoặc, quyến rũ, như lôi kéo Mị, đưa Mị từ vực sâu của tuyệt vọng thăng hoa trở lại cùng khát vọng tự do. Có thể nói: chính tiếng sáo làm Mị ý thức sâu sắc hơn bi kịch của mình, từ đó tự đánh thức mình bằng khát vọng tự do.
Khát vọng tự do không chỉ tồn tại trong suy nghĩ mà còn thể hiện trong hành động: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào dĩa đèn cho sáng… Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi…Mị cuốn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách… Mị rút thêm cái áo”. Đây chính là sự “nổi loạn” trong Mị với khát vọng tự do trào sôi, mãnh liệt. Câu văn được ngắt bởi nhiều dấu phẩy, nhịp gấp, nhiều động từ được huy động: lấy, xắn, bỏ, đi chơi, cuốn lại tóc, lấy váy hoa, rút thêm cái áo… làm cho những hành động của nhân vật trở nên mạnh mẽ, cương quyết, táo bạo. Đó là lúc ngọn lửa khao khát tự do đang cháy lên trong Mị, bất chấp sự hiện diện của A Sử. Giờ đây, bóng đêm của cường quyền bạo ngược và thần quyền đã không thể nào vùi dập được Mị. Bởi khát vọng tự do trong Mị đang lớn hơn tất cả mọi nỗi sợ hãi.
Kể cả lúc bị trói. Mị cũng không biết mình đang bị trói. Dù bị vùi dập phũ phàng, khát vọng tự do trong Mị không hề mất đi. Thể xác Mị nằm đây giữa bốn bức tường lạnh lẽo, nhưng tâm hồn Mị đã đi theo tiếng sáo mênh mang gọi bạn tình, Mị vẫn “đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Bởi vậy khi tiếng sáo nhập vào hồn Mị – “vùng bước đi”. Là lúc dây trói siết lại đau nhức. Cơn đau thể xác đã đánh thức Mị, rồi Mị tỉnh. Tiếng sáo vụt biến mất, chỉ còn “tiếng chân ngựa đạp vào vách”. Tô Hoài đã khéo léo lồng vào chi tiết này âm thanh của tiếng chân ngựa. Tiếng sáo là âm thanh của giấc mơ; tiếng chân ngựa là âm thanh đau buồn của thực tại. Thực tại đập vỡ giấc mộng làm tiêu tan tiếng sáo. Âm thanh tiếng chân ngựa đánh thức Mị, đập vỡ cả giấc mơ của Mị, kéo Mị từ thiên đường trở về địa ngục. Nỗi đau thể xác ngay lập tức chuyển hoá thành nỗi đau tinh thần vì Mị chợt nhận ra: “Mình không bằng con ngựa”.
Như vậy, cuộc trỗi dậy thứ nhất của Mị không thành, Mị không thoát khỏi cảnh ngục tù trần gian nhưng ít ra Mị cũng đã sống lại những thời khắc tươi đẹp của tuổi trẻ. Sức sống của Mị, sự hồi sinh của Mị được đặt trong một thử thách khắc nghiệt, một hiện thực phũ phàng nhưng qua đó lại càng khẳng định một chân lí rằng: sức sống của con người dù bị dẫm đạp, bị trói chặt nhưng nó không chết mà luôn âm ỉ cháy, chỉ gặp dịp là bùng lên mạnh mẽ. Đúng như Lỗ Tấn đã từng nói: “Một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai”. Hành động của Mị tuy bột phát nhưng sẽ hứa hẹn một tương lai bừng cháy ở phía trước. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn Tô Hoài.
Nhà văn Tô Hoài xây dựng nhân vật Mị với nhiều điểm nghệ thuật đặc sắc. Giới thiệu nhân vật tự nhiên mà ấn tượng, kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo. Đặc biệt tâm trạng và hành động khá phức tạp của Mị được diễn tả, lí giải một cách cụ thể, hợp lí. Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi. Ngôn ngữ kể chuyện sinh động, chọn lọc, sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình, đậm chất thơ.