Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 26/11, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra tại TP. Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua việc công nhận hai hồ sơ là "Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng" và "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)" là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là một kho tàng quý giá của di sản tư liệu, ghi chú bằng chữ Hán và chữ Nôm, bao gồm tổng cộng 78 tư liệu bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 02 bia chữ Nôm).
Tư liệu có nội dung đa dạng và hình thức độc đáo, bao gồm các thể loại như ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối... và được viết bởi các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng và các tác giả từ các thế hệ khác nhau, đã từng dừng chân và để lại những dòng chữ trên vách đá và trong hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn từ thế kỷ XVII đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Bia ma nhai là những tư liệu vô cùng quý giá, chính xác và đặc biệt, thể hiện sự kết hợp và hòa quyện về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội giữa các quốc gia Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.
Bia ma nhai mang tính đa dạng về hình thức và phong cách biểu hiện, là những tác phẩm trên đá độc đáo và ấn tượng, sử dụng nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ... Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất mà vua Minh Mạng đã viết và khắc trên các vách núi và trong hang động.