Đi san mặt đất
Đi san mặt đất là truyện thần thoại bằng thơ của dân tộc Lô Lô, cho thấy công lao to lớn của con người và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người xưa.
Ngày xưa, từ rất xưa…
Người già không nhớ nổi
Mấy năm mấy nghìn đời
Ngày xưa từ rất xưa…
Người trẻ không biết tới
Mấy nghìn, mấy vạn năm
Người mặt đất ăn chung
Cùng đi và cùng ở
Trồng bắp [1] trên núi cao
Uống nước từ bụng đá
Người mặt đất sống chung
Cùng ở và cùng đi…
… Bầu trời nhìn chưa phẳng
Mặt đất còn nhấp nhô
Phải đi san [2] mặt đất
Kiếm con trâu sừng cong
Chọn con trâu sừng dài
Đẽo con trâu cái ách
Đục lỗ ách luồn dây
Chão [3] dẻo làm dây cày
Thừng dài làm dây bừa
Trâu cày, bừa san đất
Chẳng quản gì nhọc mệt
San đất là việc chung
Người tìm hang Chuột Chũi [4]
Gọi hắn, hắn rung râu:
“- Suốt ngày trong lòng đất
Tôi có thấy trời đâu!”
Người lại tìm Cóc, Ếch
Đứa tặc lưỡi ngồi nhìn
Đứa thì kêu ộp oạp:
“- Chân tay tôi đều ngắn
San mặt đất sao nên ?
Để chúng tôi gọi lên
Xin trời đổ nước xuống!”
Giống nào cũng không đii
Người gọi nhau làm lấy
Nhiều sức, chung một lòng
San mặt đất cho phẳng
Nhiều tay chung một ý
San mặt đất, làm ăn…
Đi san mặt đất – Thần thoại dân tộc Lô Lô
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập VI, NXB Văn học – 1979
Nguồn: Văn học 6, tập 1, trang 16, NXB Giáo dục – 2001– TheGioiCoTich.Vn –