Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của vùng quê lúa Thái Bình. Toàn bộ khu di tích danh thắng là cả một quần thể rộng lớn, bao gồm hệ thống các đền, miếu, am, tháp, gọi chung là 6 phủ: 1 đền chính (đền Đức Vua) và 5 đền khác là đền Sinh, quan Đệ Nhị, quan Đệ Tam, quan Điều, quan Đệ Bát. Tọa lạc trên khuôn viên rộng 11.000 mét vuông, hòa quyện vào cảnh vật thiên nhiên hữu tình, trải dài trên địa phận hai xã An Lễ, Đông Hải. Cách đó không xa là đền thờ đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương).
Trong đền vẫn còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí từ thời Lý đến thời Nguyễn. Các bài vị và những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo như cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự... hình thức vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong phủ điện thờ, ngày đêm không ngớt tiếng đàn hát của các đội chầu văn. Theo văn hóa dân gian thì “hầu đồng” là một nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu và Đức Thánh Trần. Bởi vậy, “hầu đồng” là một nét sinh hoạt văn hóa đặc biệt ở đây, thu hút người xem rất đông.
Có thể nói, đền Đồng Bằng mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống trong văn hóa làng xã Bắc Bộ nhưng lại ảnh hưởng bởi kiến trúc Huế những năm đầu thế kỷ. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm, âu cũng là sự giao thoa văn hóa và cũng từ đó càng làm gia tăng vẻ đẹp mê hồn của ngôi đền độc nhất vô nhị trên vùng đất này. Di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng được Bộ Văn Hóa cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986.
Vẻ đẹp của ngôi đền ngoài vẻ đẹp của kiến trúc những nét xưa dáng cũ còn vương lại trên những nét chạm khắc tinh xảo của cố nhân ta còn cảm nhận được vẻ đẹp đã được thần thánh hóa, lung linh hóa lên rất nhiều lần qua lăng kính của khách viếng hương. Đó cũng chính là vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam đã làm nên cho chiều sâu của lịch sử là những khát vọng, những ước nguyện của muôn đời. Hàng năm đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 (âm lịch). Nhưng quanh năm, vẫn có nhiều đoàn người đến tham quan và dâng hương.