Đền Dầm
Đền Dầm tọa lạc tại thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Từ đê Hữu Hồng, rẽ vào khoảng 300 m là tới nơi. Ngôi đền được Vua ban tới 6 sắc phong, từ đời vua Lê Thần Tông đến đời vua Khải Định. Đền Dầm thờ Thủy Cung Thánh Mẫu, hay còn được hiểu là Mẫu Thoải – vị Thánh Mẫu cai quản miền sông nước. Vì đức độ, bà được tôn phong là Đệ Tam Thánh Mẫu trong đức thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tương truyền, vị thánh mẫu này là con gái Long Vương, có công phù Vua Trần Nhân Tông đánh quân Nguyên. Chiến thắng trở về, ngài cho xây đền Xâm Dương (còn gọi là Đền Dầm) và đền Xâm Thị, đều thờ Mẫu Thoải.
Đền Dầm gắn liền truyền thuyết “Hoàng Long công chúa bị đày vì làm vỡ chén ngọc được chàng Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện lên báo mộng giúp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc ngoại xâm”. Khi thắng trận trở về, ông dâng biểu lên Vua báo công và nêu rõ việc Ngọc Dung báo mộng. Vua sai sứ giả về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ, và ban tặng sắc phong. Rồi lệnh cho nhân dân Xâm Miện đến kinh thành rước sắc về để dân làng thờ phụng. Các triều vua kế tiếp đều có sắc phong cho đền. Sau này để tưởng nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương đã trình tấu lên Vua ban sắc phong cho đền Dầm, nhân dân địa phương đã xây dựng một ngôi đền bên cạnh để thờ Hưng Đạo Vương. Vì thế mà trong khuôn viên đền Trần bên cạnh đền chính, không chỉ có miếu cô, miếu cậu mà còn có cả đền thờ Trần Hưng Đạo.
Đây là một trong những ngôi đền có số lượng sắc Phong lớn nhất Việt Nam dưới các triều Trần, Lê, Nguyễn sắc phong đến 28 lần (Trần triều 7 đạo, Lê triều 13 đạo, Nguyễn triều 8 đạo) – một kỷ lục về sắc phong, khó có đền phủ nào được như vậy. Số lượng sắc phong này ngang với Phủ Tiên Hương – Nơi thờ của Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dày (Nam Định).
Địa chỉ: Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội