Có một loài hoa biết xấu hổ

Quê tôi gọi là hoa Xấu Hổ. Có nơi gọi là hoa Mắc Cỡ. Bọn trẻ chúng tôi gọi là hoa Giả Đò. Còn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh “Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say, …” và “gọi hoa Trinh Nữ…”.


Cây Xấu Hổ là một loài hoa dại mọc hoang khắp nơi; từ vùng đất sỏi đá đến đất pha cát; từ vùng giàu chất dinh dưỡng đến vùng đất cằn cỗi; từ điều kiện thời tiết thuận lợi đến khắc nghiệt… đều có thể phát triển và sinh trưởng mạnh mẽ. Hoa xấu hổ hình cầu như viên bi màu hồng. Lá xấu hổ hình lông chim, khi chạm vào sẽ tự động khép lại. Cây hoa xấu hổ có nhiều lông tơ nhỏ, nhiều gai nhọn, nếu đâm vào da thịt thì đau nhức vô cùng. Nhưng có ai lỡ chạm vào cây thì hoa xấu hổ liền e thẹn xếp lá lại vào thân như những cô gái e lệ khi bị chàng trai ngó trộm!

Rất nhiều truyền thuyết giải thích nguồn gốc loài hoa có tên xấu hổ này, nhưng tôi thích nhất câu chuyện cô bé không chịu nghe lời mẹ mà lêu lổng. Đến khi mẹ mất, cô phải đi đến từng nhà xin ăn. Nhưng mọi người không thể cho không mãi. Một ngày kia cô chết đói bên vệ đường và nơi cô chết mọc lên cây lạ, lá nhỏ li ti mà ai vô tình hay cố ý đụng đến; cây chợt rùng mình, khép nép như cố tránh né mọi người.


Người ta gọi cây đó là cây xấu hổ. Cây xấu hổ gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Ai chẳng một lần đi ngang qua cây xấu hổ chẳng một lần nhẹ nhàng khẽ chạm vào chiếc lá để được thấy chúng “xấu hổ” xếp lá lại tỏ vẻ mắc cỡ.

Và, có lẽ nét e thẹn, mắc cỡ khi người lạ chạm vào như cô gái trinh trắng bị ngó trộm mà hoa xấu hổ có thêm một câu chuyện về cô gái thẹn thùng e ấp với mối tình đầu của mình. Cây xấu hổ như kể lại mối tình đầu ngây thơ, trong sáng nhưng chân thành và đầy nét lãng mạn, mộng mơ bằng hình ảnh khép lá rất đáng yêu. Có thể cái tên Hoa Trinh Nữ được gọi lên từ câu chuyện này.

Thời thơ ấu, không biết bao buổi trưa nắng tôi trốn ba mẹ cùng bọn trẻ con cùng trang lứa thích thú chọc ghẹo hoa xấu hổ. Khi chạm vào cây, một lá khép lại thì các lá khác cũng lần lượt xếp lại. Chỉ được một lát thì cánh lá lại mở ra, chúng tôi lại tiếp tục chọc ghẹo! Đúng là hình ảnh hoa Giả Đò để chúng tôi tinh nghịch. Nhưng đừng dại dột đùa một cách mạnh mẽ, thô bạo thì dẫu hiền lành xếp lá lại, cây xấu hổ vẫn sẵn sàng đâm gai vào kẻ tấn công mình.

Đó chính là hình ảnh cô gái dịu dàng, gai góc mà e ấp; có duyên và rất biết cách làm duyên. Các bạn gái thì nhẹ nhàng hái những bông hoa tròn nhỏ xinh xinh màu hồng cài lên mái tóc.


Cây xấu hổ theo mãi với chúng tôi trên con đường đến lớp một cách gần gũi, thân thương như thế. Lớn lên, trên con đường mưu sinh bất chợt gặp bụi hoa xấu hổ đầy sức sống ở ven đường gần gũi, thuần khiết và giản dị lại không nỡ chạm vào vì sợ đánh mất cái hoang sơ, trong trẻo trên từng chiếc lá, mỗi bông hoa này. Tôi say sưa ngắm những cánh hoa màu hồng toát lên nét dịu dàng, e ấp. Nhưng đôi khi tôi cũng khẽ chạm vào chiếc lá để ký ức tuổi thơ ùa về…

Cứ lẩn thẩn nghĩ về những cái tên của loài hoa bình dị mọc hoang ở khắp nơi này. Ngay cái tên Xấu Hổ, Mắc Cỡ của hoa đã gợi lên những phẩm chất cần có của con người là lòng tự trọng. Người có lòng tự trọng là người biết xấu hổ vì việc làm chưa đúng của mình.


Khi chính phủ lấy ý kiến người dân về quốc hoa thì đã có đề nghị lấy loài hoa này làm quốc hoa. Dù không được đa số đồng ý nhưng không phải không có cái lý của nó. Trong cuộc sống hiện đại, xô bồ, gấp gáp khiến nhiều người đánh mất sự biết xấu hổ, mắc cỡ cho nên nếu nhìn thấy và nghe tên gọi loài hoa này, chắc chắn họ sẽ giật mình nhận ra điều họ đã đánh mất…

Tôi lại sa đà về loài hoa có sức sống mạnh mẽ mà bình dị như người dân quê tôi rồi!

Ngô Văn Cư

Có một loài hoa biết xấu hổ
Có một loài hoa biết xấu hổ
Có một loài hoa biết xấu hổ
Có một loài hoa biết xấu hổ

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |