Cỗ máy đầu tiên từ công nghệ in 3D
Theo định nghĩa chung, công nghệ 3D là tập hợp các kỹ thuật mô phỏng lại những gì chúng ta nhìn thấy và nghe được từ môi trường xung quanh bằng cách tạo ra "ảo giác hình khối" hiện diện trong thính giác và thị giác con người. Chúng ta đang tận hưởng tiện ích của công nghệ này qua các chế tác như: phim ảnh 3D, hình 3D, âm thanh 3D,... Như thế liệu công nghệ in 3D có giống với ý nghĩa trên không? Có thể nói điểm độc đáo của in 3D chính là chúng ta không mô phỏng ảo giác nữa mà chính là việc tạo ra các sản phẩm hữu hình, có thể cảm nhận qua xúc giác và quan sát một cách thật sự. Nói rõ ràng hơn là các vật thể trong cuộc sống như: chiếc tivi, tủ đồ, xe máy,... chính là các vật 3D được làm từ phương pháp truyền thống. Thế thì in 3D để làm gì và có gì đặc biệt ấn tượng trong công nghệ "trừu tượng" này?
Một cách đơn giản nhất thì công nghệ in 3D chính là cách thức tạo mẫu nhanh, có thể chế tạo một sản phẩm hoàn thiện mất từ 3 - 72 giờ, tiết kiệm nhiều thời gian so với các phương pháp sản xuất truyền thống áp dụng lâu nay trong các nhà máy công nghiệp. Ngoài ra, ưu điểm vượt trội của công nghệ này chính là tạo ra các bộ phận chi tiết nhất từ trong ra ngoài cho sản phẩm, đây là điều mà phương thức xưa nay chưa làm được. Với sự phát triển nhanh chóng của in 3D trong những năm gần đây, các chuyên gia dự đoán rằng vào năm 2022, một cỗ máy đầu tiên được chế tạo từ công nghệ in 3D sẽ ra mắt công chúng.
Gần đây nhất, hãng xe Audi đã công bố dự án sản xuất xe hơi theo cách thức in từng lớp này. Chính vì thế, rất có thể trong khoảng 10 năm nữa, công nghệ tiên tiến này sẽ trở nên phổ biến trong hoạt động sản xuất công nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới. Chúng ta cùng chờ xem nhé.