Chùa Dạm - núi Đại Lãm, Bắc Ninh
Chùa Dạm, hay chùa Rạm, tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội). Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.
Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi nhà Lý Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa.
Năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa. Năm sau, 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ "Lãm Sơn dạ yến". Sau mười năm xây dựng, năm 1094 chùa Dạm mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu ruộng tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng - mở cửa chùa. Năm 1105, lại xây ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn.
Trong thời gian dài sau đó chùa luôn được sự chiếu cố đặc biệt của triều đình, nên chùa càng được gia công mở mang quy mô. Vua Trần Nhân Tông từng đến thăm, ca ngợi thành thơ về bức tranh kiến trúc kế tiếp mười hai lớp này.
Nói đến những di tích Phật giáo có tuổi thọ lâu đời, không thể không nhắc đến Chùa Dạm ở Bắc Ninh. Nơi được xem là cội nguồn của những giá trị Phật giáo cổ xưa và lớn nhất Việt Nam.