Cho phép trẻ khóc để giải tỏa cảm xúc
Đa số trẻ khi gặp khó khăn thường thích ở một mình, tránh xa những người khác để có thể được dễ dàng sống với những cảm xúc thật của chính mình mà không phải lo lắng về những gì người khác đang nghĩ gì. Khóc trước mặt người khác cũng không có gì sai cả, nhưng sẽ thoải mái hơn nếu được khóc một mình. Mọi người thường quan niệm rằng, là đàn ông con trai thì phải mạnh mẽ, biết kìm chế cảm xúc, cứng rắn, hạn chế bộc lộ tình cảm của mình ra ngoài. Thực ra, dù là nam hay nữ thì khi có tâm trạng tồi tệ cũng cần phải được trút bỏ ra ngoài.
Khi thấy trẻ buồn, bố mẹ nói: “Con đừng có buồn, vui lên đi, mạnh mẽ lên con”, trẻ sẽ học cách che giấu cảm xúc của mình đi. Khi một đứa trẻ buộc bản thân phải trở nên mạnh mẽ ngay từ sớm, theo thời gian chúng dần trở thành một người có kỹ năng giao tiếp kém, sống nội tâm, khép kín và khó hòa đồng với người khác. Vì vậy, bố mẹ phải chú ý, trong quá trình nuôi dạy con trai, hãy để trẻ học cách giải tỏa cảm xúc, hãy cho chúng được phép khóc.
Bạn có thể thấy khi con ở ranh giới của một cơn giận, không gì có thể làm cho bé hài lòng. Bé buồn bực, rên rỉ, vô cùng ‘mong manh dễ vỡ’. Bạn cũng có thể thấy, sau khi khóc xong, tâm trạng của bé được cải thiện hơn lúc trước rất nhiều. Vì vậy, cha mẹ đừng cố gắng ngăn chặn quá trình khóc lóc của bé. Hãy để bé đi đến cùng trạng thái cảm xúc tiêu cực, vì ‘sau cơn mưa trời sẽ sáng’. ‘Khóc không phải là điều gì đau đớn, nó chỉ là quá trình để giải tỏa nỗi đau’ – Tiến sĩ tâm lý Deborah MacNamara (Mỹ) khẳng định.