Chèo
Ra đời từ thế kỷ X, Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Theo thời gian, loại hình sân khấu truyền thống vốn thịnh hành ở các vùng quê đồng bằng sông Hồng dần lan tỏa sang vùng trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc, nghệ thuật Chèo đang được Việt Nam nghiên cứu xây dựng hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Khác với các loại hình dân gian khác, Chèo mang tính quần chúng, đậm đà bản sắc dân tộc và được coi là loại hình sân khấu của hội hè. Loại hình này với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von, giàu tính tự sự, trữ tình. Trong quá trình biểu diễn đòi hỏi các diễn viên phải thể hiện đầy đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng nhiều nhạc cụ như trống, mộc, sáo, đàn nhị, đàn tranh,... tạo hiệu ứng lan tỏa của lời hát.
Nội dung các vở Chèo thường miêu tả cuộc sống bình dị của nhân dân lao động, qua đó ca ngợi những tấm gương nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Đồng thời phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu, lòng nhân ái, bao dung, vị tha. Bởi vậy khi xem Chèo, người ta không chỉ được tận hưởng những giây phút nhẹ nhàng, đầy ắp tiếng cười mà còn có cơi hội để trải lòng và suy ngẫm về cuộc đời. Nhân vật trong Chèo, thường là những người nông dân lao động có số phận bất hạnh (đặc biệt là người phụ nữ) có số phận bất hạnh, với các mối quan hệ dung dị đời thường như: cha con, vợ chồng, anh em, chủ tớ,...
Một số nghệ sĩ Chèo nổi tiếng: NSND Thanh Ngoan, NSƯT Thùy Dung, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Kim Liên, NGƯT Ngọc Sơn, NSND Quốc Trượng,...
Địa điểm diễn xướng: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Chèo Ninh Bình,...