Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn vốn là Thiên Thai tiên nữ, là con của vua Đế Thích. Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, bà là vị Chầu mang quyền hành tối cao của tòa Sơn Trang. Bà cai quản 36 động sơn trang đất – những vùng được sắc phong là Đông Cuông, Tuần Quán, Bảo Lạc, Hà Giang, Tuyên Quang.
Sự tích Chầu Đệ Nhị được lưu truyền rằng: Đông Quang Công Chúa (Chầu Đệ Nhị) tên húy là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên là người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên cũng là hậu duệ của trại chủ Quy Hóa – Hà Đặc, Hà Bổng và hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai ( là Ông Hoàng Báo Đông Cuông). Khi Ông Thiên tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông. Họ dạy dân lập ấn lập bản, trồng trọt chăn nuôi và chữa bệnh cứu người. Sau này khi tạ thế, Bà hóa thánh là Chầu Đệ Nhị hiển linh giúp dân vả phù giúp cho thuyền bè qua dòng sông Thao. Dân lập miếu thờ Ông bên Ghềnh Ngai ở hữu ngạn sông Hồng. Còn miếu thờ hai mẹ con Bà được lập tại bên tả ngạn đối diện, sau này được sang sửa và mang tên Đền Đông Cuông. Bà được coi là hoá thân của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn.
Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị Chầu hay giáng đồng nhất trong hàng Chầu. Từ đồng tân đến đồng cựu ai cũng thỉnh Chầu về ngự để ban tài tiếp lộc sơn lâm sơn trang. Khi văn thỉnh Chầu cất lên: Dâng văn tiên thánh thượng ngàn Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn hôm nay…. Chầu ngự về đồng ra tay dấu hai ngón tay phía bên phải, mặc y phục màu xanh lá cây giống người dân tộc, chít khăn buồm.
Đền Chầu Đệ Nhị nổi tiếng bốn phương chính là đền Đông Cuông. Cũng như Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị được thờ phụng ở bất cứ nơi nào có rừng núi có Mẫu Đệ Nhị ngự. Nhưng khi thỉnh chầu, người ta thường hay nghĩ tới Đền Đông Cuông là nơi in dấu rõ nhất ở tỉnh Yên Bái. Đây cũng chính là ngôi đền gắn liền với thân tích về Chầu Đệ Nhị.