Chất chứa niềm tin yêu và hy vọng
Từ xưa đến nay, tình yêu luôn là đề tài không bao giờ xưa cũ trong các loại hình văn học nghệ thuật, nhất là thơ ca. Trong rất nhiều bài thơ hay về tình yêu, tôi rất thích bài "Em chờ" của Vũ Thị Khương. Bài thơ không nói về một tình yêu đẹp đẽ, viên mãn, cũng không viết về sự đau khổ, tuyệt vọng, mà đó là hy vọng và một niềm tin mãnh liệt của người phụ nữ khi yêu.
Victor Hugo từng nói: “Hạnh phúc lớn nhất trên đời này là tin rằng mình được yêu”. Có phải chủ thể trữ tình trong bài thơ cũng có niềm tin như vậy, cho nên mới phấp phỏng đợi chờ anh đến, bất chấp thời gian? Ta không biết liệu có phải anh đã hẹn (nên em chờ), hay là do linh cảm của em? Hay do em nhận được “tín hiệu” từ phía anh rằng anh cũng yêu em, nhớ em và anh sẽ đến? Có vẻ như hai giả thiết sau đúng hơn thì phải? Bởi ta hiểu, đây không phải là tình yêu đơn phương, mà là tình yêu đến từ hai phía. Hoặc chí ít cũng là một tình yêu nồng nàn, chung thủy từ phía em, vì “Đã yêu, yêu đến tận cùng/Đã thương, thương đến nát lòng vì nhau". Nhưng tại sao em cứ phải mong chờ?
“Chắc gì anh đến hôm nay", câu đầu tiên, người phụ nữ trong bài thơ tự hỏi lòng mình? “Chắc gì” chỉ sự phỏng đoán có thể đúng, có thể không: “Mà em cứ đợi tàn ngày trắng đêm”. Hai câu thơ đầu diễn tả tâm trạng thấp thỏm, nôn nóng, đứng ngồi không yên của nhân vật trữ tình. Không có gì là chắc chắn, nhưng có lẽ do sự mách bảo của con tim, nên người thơ cứ đợi… đợi đến "tàn ngày trắng đêm". Sự đợi chờ được tính bằng thời gian chậm chạp, mòn mỏi, đằng đẵng. Như thế cũng chưa đủ, ở đây cung bậc của sự đợi chờ còn được cụ thể hóa bằng hành động, tâm trạng ra ngóng, vào trông đến thẫn thờ: “Hết đi ra cửa ngóng nhìn/Vào nhà ngồi xuống đứng lên thẫn thờ”. Nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, còn bên trong ruột gan người đợi như lửa đốt. Trong không gian chật hẹp của ngôi nhà, người thơ dồn hết tâm trí vào sự chờ đợi: đi ra, đi vào, ngồi xuống, đứng lên… cũng không diễn tả được tâm trạng sốt ruột của người đợi chờ. Phải chăng sự chờ đợi cũng là một phẩm chất, một biểu hiện đẹp của tình yêu đích thực?
Ai đã trải qua sự đợi chờ sẽ càng thấu hiểu tâm trạng cồn cào, da diết của người thơ. Mọi giác quan chỉ dõi về một hướng anh thôi. Một ngày đêm ròng rã, chờ đến thẫn thờ nhưng vô vọng. Nỗi chờ đợi được đẩy đến gần hơn. Ngay lúc này đây, người thơ tưởng tượng và mong nhớ anh biết nhường nào, sự chuẩn bị đã sẵn sàng đợi anh nhưng không thấy bóng anh. Tâm trạng người đợi có phần hoang mang: “Chắc gì anh đến bây giờ”. Lần thứ hai, từ “chắc gì” được dùng một cách bất an, ấm trà pha sẵn mời anh đã nguội, đã nhạt mờ vị hương hay tình yêu đã nhạt? Mong là không phải thế. Lần thứ ba “chắc gì” được lặp lại và ngắt dòng như có chút do dự ngập ngừng, nhưng không để nói về thời gian, mà hình như có gì không ổn phía anh chăng? Mặc dù chưa chắc chắn: “Chắc gì/Mà dạ cứ thương/Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng”. Có gì chưa đúng ở đây? Hoàn toàn không, bởi người phụ nữ khi đã yêu là yêu hết mình, yêu đến tận cùng: “Đã thương, thương đến nát lòng vì nhau”. Dùng từ “tận cùng” và động từ mạnh “nát” để diễn tả cấp độ không thể đong đếm được trong tình yêu của người phụ nữ. “Chắc gì” được lặp lại lần bốn (ngắt dòng) và lần thứ năm trên cùng một câu lục, phải chăng chủ thể trữ tình tự nhủ, tự trấn an với lòng mình rằng: “Chắc gì?/Đã chắc gì đâu”, mức độ do dự về sự không chắc chắn ngày càng tăng?
Cho dù thế, người phụ nữ vẫn không thôi hy vọng, biết chờ đợi cũng là hạnh phúc: “Hôm nay, cả những ngày sau/Em chờ” đó chính là tính nhân văn của bài thơ. Hy vọng sự chờ đợi của em sẽ được đền đáp. Điệp ngữ “chắc gì” xuyên suốt bài thơ, vừa là sự ước đoán mong manh, vừa là niềm tin, hy vọng cho sự chờ đợi của người phụ nữ đang yêu. Cho dù phải đợi và cứ đợi, nhưng người thơ vẫn tin ở trực cảm, tin ở tình yêu, cũng như tin ở những gì tốt đẹp nhất trên đời.
"Em chờ" của Vũ Thị Khương là một bài thơ hay, giàu nữ tính. Bằng ngôn từ bình dị, sâu lắng, giọng thơ đằm thắm, thiết tha, bài thơ cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người và neo lại là nỗi chờ đợi da diết và một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu.
NGUYỄN THỊ BÌNH