Câu 5
Câu hỏi: Tam đoạn luận là gì? Các quy tắc của tam đoạn luận?
Gợi ý trả lời:
Tam đoạn luận là suy luận suy diễn gián tiếp trong đó kết luận được rút ra từ hai tiền đề. Hai tiền đề và kết luận là các phán đoán nhất quyết đơn. Hai tiền đề của tam đoạn luận liên hệ với nhau bởi sự lặp lại của cùng một khái niệm.
Các quy tắc:
- Quy tắc 1: Trong tam đoạn luận có ba thuật ngữ và chỉ ba thuật ngữ cấu thành. Quy tắc này dựa vào định nghĩa của tam đoạn luận, trong đó chỉ rõ: hai tiền đề có liên hệ bởi thuật ngữ giữa. Thuật ngữ giữa ở đây phải đồng nhất, nếu không kết luận sẽ không tất yếu được rút ra từ hai tiền đề.
- Quy tắc 2: Thuật ngữ giữa (M) phải được chu diên ít nhất một lần trong hai tiền đề. Do đó, thuật ngữ giữa (M) phải là chủ ngữ của phán đoán toàn xưng hoặc là tân từ của phán đoán phủ định.
- Quy tắc 3: Nếu thuật ngữ lớn (P) hoặc thuật ngữ nhỏ (S) không chu diên ở tiền đề thì không được chu diên ở kết luận.
- Quy tắc 4: Nếu hai tiền đề đều là phán đoán phủ định thì không rút ra được kết luận.
- Quy tắc 5: Nếu có một tiền đề là phán đoán phủ định thì kết luận phải là phán đoán phủ định.
- Quy tắc 6: Nếu hai tiền đề là phán đoán đặc xưng thì không rút ra kết luận.
- Quy tắc 7: Nếu một trong hai tiền đề là phán đoán đặc xưng thì kết luận phải là phán đoán đặc xưng.
- Quy tắc 8: Nếu hai tiền đề là phán đoán khẳng định thì kết luận phải là phán đoán khẳng định.