Cách nấu chè bưởi An Giang ngon đúng điệu
Tự nhiên đã ban tặng cho con người rất nhiều sản vật, mà qua đó chế biến lên nhiều món ăn ngon, độc đáo và bổ dưỡng hàng ngày. Nếu như chè sen có vị ngon đặc trưng của hạt sen vừa bở, vừa bùi, kết hợp với vị ngọt man mác dễ chịu. Thì chè bưởi lại đem lại cho người dùng cảm giác giòn giòn, vị thơm thảo của đậu xanh và cảm giác ngọt, bùi béo ngậy của nước cốt dừa được pha trộn một cách tinh tế. Có lẽ chính sự đặc biệt này mà món chè bưởi đã được lan truyền đến nhiều vùng miền trong cả nước. Nhưng ít người biết được rằng nguồn gốc của nó được xuất phát từ vùng đất miền tây An Giang. Trong mọi điều kiện của thời tiết thì bát chè bưởi vàng tươi, thêm chút trắng đục của nước cốt dừa béo và vài hạt lạc rang đều khiến bất kỳ ai thưởng thức đều phải trầm trồ khen ngợi.
Nguyên liệu:
- Bưởi Năm Roi:1 quả.
- Đỗ xanh: 200g
- Đường: 400g.
- Bột sắn dây: 50g.
- Nước: 1.000ml.
- Nước cốt dừa: 100ml.
- Dừa nạo: 50g.
- Lạc rang giã nhỏ: 100g.
- Phèn chua: 50g.
- Lá nếp: 50g.
- Nước hoa bưởi: 50g.
- Muối tinh: 2 thìa cà phê.
Cách làm:
- Bước 1: Đầu tiên các bạn sơ chế bưởi bằng cách gọt bỏ phần vỏ xanh, lấy phần cùi thái nhỏ, sau đó bóp với 2 thìa cà phê muối tinh để khoảng 3 tiếng rồi rửa sạch, xả nước nhiều lần cho đến khi cùi bưởi hết mặn là được, vắt khô. Theo kinh nghiệm cá nhân thì bạn hãy xả cho đến khi không còn lớp váng tinh dầu trong chậu nước nữa là được.
- Bước 2: Tiến hành giã nhỏ phèn chua sau đó cho vào nước và quấy cho tan, tiếp đến cho cùi bưởi vào chần nhanh qua rồi vớt ra thả vào chậu nước lạnh có thả một ít đá lạnh vào. Mục đích của công đoạn này là để cùi bưởi giòn.
- Bước 3: Tiến hành vắt và xả cùi bưởi nhiều lần để cùi bưởi hết phèn chua. Một chú ý nhỏ đó là sau khi vắt khô, kiệt nước, bạn nên ngâm lại cùi bưởi vào một bát nước sôi để nguội vài phút, sau đó đổ cùi bưởi ra rổ cho ráo nước, không vắt. Mục đích là để sau khi ướp đường, xào cùi bưởi trên bếp không bị khô.
- Bước 4: Ướp cùi bưởi với 100g đường, đảo đều để đường bám đều xung quanh cùi bưởi. Tiếp đến bạn cho cùi bưởi vào chảo và xào nhỏ lửa đến khi cùi bưởi ngấm đường là được (không nên xào lâu quá)
- Bước 5: Cho ngay cùi bưởi lên một chiếc khay hoặc đĩa rộng, lòng sâu. Rắc bột năng lên trên cho bám đều quanh cùi bưởi. Lá nếp cuốn lại thành bó. Đỗ xanh ngâm nở khoảng 4 giờ đồng hồ hoặc ngâm qua đêm để tiết kiệm thời gian, rồi bạn đem vo sạch, cho vào xửng hấp để hấp chín.
- Bước 6: Cho nước vào bát bột sắn dây, khuấy đều cho bột tan hoàn toàn. Đổ nước vào nồi, cho thêm đường vào và hòa cho đường tan. Tiếp đến bạn bắc nồi nước đường lên bếp đun sôi. Khi nước đường sôi thì hạ nhỏ lửa, hớt bỏ bọt và đổ từ từ bát nước sắn dây vào. Đổ tiếp cùi bưởi vào và khuấy đều tay để bột sánh đều. Đun đến khi nào thấy nồi chè sôi trở lại, cùi bưởi chuyển sang màu trong thì cho tiếp 2/3 đỗ xanh đã hấp chín vào và đảo đều tất cả lên.
- Bước 7: Cho lá nếp vào trong nồi chè rồi tắt bếp, đậy vung thêm khoảng 20 phút cho chè chín kĩ và ngấm kĩ hương vị rồi rắc thêm một chút nước hoa bưởi vào sau đó múc chè ra bát.
Chú ý: Bạn lên chọn loại bưởi Năm Roi và những quả bưởi có lớp vỏ xanh chín tới, không quá già và cũng không quá non. Chè bưởi sau khi chế biến xong không nên ăn ngay lúc nóng, mà nên đợi chè nguội bớt hoặc ăn lúc lạnh sẽ không bị đắng, trong quá trình ăn cho thêm nước cốt dừa vào để tăng hương vị thơm ngon, và ngậy ngọt của món chè bưởi An Giang nhé.