Bướm cũng có nọc độc
Cũng như bao loài khác đang sinh sống trên Trái đất, những con bươm bướm cũng có góc tối trong cuộc đời, và chúng đã sống một cuộc sống che giấu mà con người hầu như không hề hay biết. Điều đầu tiên có thể kể đến là màu sắc của những con bươm bướm. Vẻ ngoài xinh đẹp thật ra có thể là một lời cảnh báo.
Lấy ví dụ là loài bướm vằn cánh dài Heliconius charithonia. Nhìn qua thì loài này cũng thật "hồn nhiên" như bao con bướm khác nhưng chúng là loài có độc nổi tiếng. Thậm chí, ở giai đoạn sâu bướm, chúng còn có thói quen "ăn thịt" anh em đẫn đến cảnh huynh đệ một nhà tương tàn.
Chưa hết, loài bướm còn có một hành vi tàn khốc mà các nhà khoa học thường gọi với thuật ngữ "hiếp dâm nhộng". Khi một con cái chuẩn bị thoát khỏi lớp vỏ nhộng trở thành bướm rồi tung cánh bay thì một nhóm các con đực đã vây quanh con cái, xô đẩy và vỗ cánh chèn ép nhau như những tình địch để chiếm được bạn tình. Kẻ chiến thắng của cuộc ẩu đả này sẽ được giao phối với con cái. Nhưng những con đực thường háo hức đến mức con cái chưa kịp thoát ra thì chúng đã dùng "vũ khí" xé toạc vỏ nhộng để giao phối.
Vì con cái bị mắc kẹt trong những vỏ nhộng và không có sự lựa chọn nào khác, nên thuật ngữ "hiếp dâm nhộng" xuất hiện. Một số nhà sinh vật học gọi với cái tên nhẹ nhàng hơn là "giao hợp cưỡng bức".
Nếu xét về độ xảo trá, quỷ quyệt thì có lẽ họ hàng nhà bướm đều réo tên loài Maculinea rebeli. Những con sâu bướm Maculinea rebeli thậm chí còn lừa cả đàn kiến để được chúng cung phụng như một ông hoàng, bà chúa. Sâu bướm có thể tạo ra âm thanh bắt chước kiến chúa và khiến cả đàn bị lừa và hầu hạ nó. Những con kiến thợ cơm bưng nước rót cho chúng, kiến y tá thỉnh thoảng còn phải hy sinh những con kiến để cho chúng ăn khi thức ăn khan hiếm.