Buộc bồi thường 251 tỷ đồng, nhân viên Nhật Cường hoảng loạn khi bị "đổ vỏ" (29/11/2021)
Chiều 29/11/2021, sau một ngày xét xử tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm xử lý đối với kháng cáo của các bị cáo cũng như kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội.
Theo đó, đại diện Viện kiểm sát cấp phúc thẩm thẩm đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm theo hướng đưa Công ty Nhật Cường vào tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, buộc công ty này phải bồi thường 251 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, theo bị cáo Trần Ngọc Ánh, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, bị cáo làm Phó Tổng Giám đốc từ năm 2015, đến tháng 7/2015, qua giao dịch mới biết Công ty Nhật Cường giao dịch mua bán hàng không có hoá đơn chứng từ. Về mức án 13 năm, bị cáo Ánh cho biết thấy nặng nên làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) thừa nhận tội buôn lậu và xin giảm nhẹ hình phạt và mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Ngọc cũng xin được miễn trách nhiệm dân sự vì cho rằng bản thân chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì nên không phải chịu trách nhiệm dân sự. Theo bị cáo Ngọc, ở Công ty Nhật Cường bộ phận tài chính và kế toán là hoàn toàn tách biệt, không liên quan đến nhau.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Lê Hoài Phương, nhân viên Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc - thừa nhận sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thức ra hành vi của mình đã giúp sức cho bị can Bùi Quang Huy buôn lậu. Thế nhưng, bị cáo cũng chỉ làm công an lương, không có thu nhập gì khác nên về khoản tiền bồi thường mong HĐXX xem xét.
Cũng tại phiên xét xử, bị cáo Nông Văn Lư, lái xe của Công ty Nhật Cường đã "choáng" khi nghe số tiền khắc phục 10 tỷ đồng. Theo bị cáo Lư, là người vận chuyển hàng và không được hưởng lợi "một đồng nào" từ tiền buôn lậu. Khi đưa hàng về kho, bị cáo Lư không được ai yêu cầu xuất trình hóa đơn.
Phiên xử sẽ được tiếp tục vào sáng hôm nay, 30/11.