Bông điên điển
Điên điển! Ai đã đặt tên cho loài hoa? Ai mang thương nhớ rắc gieo vào những cánh hoa dịu dàng, mong manh làm chộn rộn con tim trai gái miền nước nổi?
Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ, người dân miền Tây quê tôi gọi là mùa nước nổi. Con nước từ thượng nguồn sông Mê-kông đổ về dòng Cửu Long rồi tràn về các kênh rạch, ao hồ. Ruộng đồng ngập nước mang theo một nỗi buồn man mác ghim vào điệu lý, câu hò. Nhưng mùa nước nổi cũng là mùa sự sống hồi sinh của người dân miền Tây. Giữa cái trắng trời, trắng đất của nước lũ tràn về mênh mang là một sự sống mới đang hồi sinh, nảy nở. Bàn tay ma thuật của tạo hóa luôn nhào nặn ra kiệt tác từ cái gọi là nghịch lý của cuộc đời. Là vậy đó! Thiên nhiên dữ dội làm con nước dâng đầy, ruộng đồng, nhà cửa chìm trong biển nước, và... biết bao thân phận nổi trôi. Nhưng thiên nhiên cũng hào phóng ban tặng con người nơi đây bao sản vật độc đáo vào mùa nước lũ. Phù sa đỏ theo con nước ròng cuồn cuộn đổ về ruộng đồng mang theo mạch nguồn nhựa sống âm thầm bồi đắp cho bờ bãi tốt tươi, trù phú. Còn gì diệu kỳ hơn khi một sớm mai thức dậy, ta ngơ ngác nhìn làng quê thay da, đổi thịt. Sau một đêm thôi, bèo xanh mướt rợn ngợp dệt thảm kín mặt nước; thấp thoáng những bông súng tím biếc ngoi lên, e ấp xòe cánh làm duyên; từng vạt lục bình man mác tím, trôi lững lờ buồn như người con gái thân phận nổi trôi. Lác đác vài chú cò lăng trắng phau khoe đôi chân dài đứng điệu nghệ giữa mênh mông trời nước. Và điên điển! Phải rồi, nhắc đến mùa nước nổi đâu thể quên được sắc hoa thương nhớ ấy, cánh hoa vàng mong manh như nắng hạ hong mềm mối tâm tình trai gái khi con nước dâng đầy. Tất cả đột hiện như phép màu, đẹp như một bức họa đồng quê hoang dã, thuần khiết mà độc đáo chỉ miền Tây mới có, gieo vào lòng người niềm xao xuyến khôn tả: một chút buồn hoang, chút ngỡ ngàng và cả tiếng reo vui thích thú khi khám phá được vẻ đẹp ngoạn mục ăm ắp hồn cốt miền nước nổi. Sự kỳ thú của thiên nhiên miền Tây được sản sinh ra từ tinh túy của đất trời và thoát thai, bật chồi từ những nhọc nhằn, lam lũ của con người nơi đây.
Khi những bông điên điển vàng rợp đôi bờ sông đỏ nắng, người dân quê tôi lại nô nức rủ nhau đi đánh cá linh. Cá linh thuộc họ cá chép theo dòng chảy sông Mê - kong đổ về sông Cửu Long rồi tràn về ruộng đồng, kênh rạch mà sinh sôi, nảy nở nhiều vô kể. Cá linh, bông điên điển, bông súng...là những sản vật đặc trưng mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng riêng cho người dân miền nước lũ trong công cuộc mưu sinh còn không ít nhọc nhằn. Bữa cơm mùa lũ sinh động hơn, ngon bội phần bởi có thêm những món ăn được chế biến từ cá linh: chả cá linh thơm ngậy; mắm cá linh mặn mòi; canh chua điên điển, cá linh thêm vài cọng bông súng thanh mát, ăn một lần để nhớ thương trọn đời người ơi!
Mùa cá linh! Mùa của nghĩa tình làng xóm gắn kết với nghề hạ bạc nổi trôi. Người dân cùng nhau san sè mẻ lưới xanh cá để ai cũng có niềm vui. Thuyền ghe đầy đồng nhưng chẳng ai giăng lưới chặn đầu nhau, chẳng bon chen, toan tính mưu hèn. Người miền Tây chân chất, thật tình là vậy! Càng khó nhoc vật lộn với mưu sinh càng thương quý nhau hơn. Bữa cơm lênh đênh giữa trời nước mênh mang, dăm ba ghe chung chén, đũa thêm vui vầy; con cá sông, cọng bông súng mát lòng bên câu vọng cổ ai hoài, vấn vương.Mùa nước nổi là mùa hội sông nước của người dân quê tôi, cũng là mùa của trai gái hò hẹn, giao duyên bên rặng điên điển la đà kênh, rạch. Thuyền to, thuyền nhỏ tấp nập, rộn ràng; ghe mẹ, ghe con xuôi ngược, tưng bừng thả lưới, vây giăng. Trai gái lại cùng nhau buông tơ, giăng tình giữa điệu lý, câu hò da diết làm xôn xao cả một vùng sông nước:
“Trót thương tình nghĩa vợ chồng
Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương”
Bông điên điển vàng ươm vương tóc huyền thiếu nữ để chàng trai nào đó phải ngẩn ngơ buông lơi câu hò:
“ Hò...ơi...
Canh chua điên điển, cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon.”
Bóng thiếu nữ thắt đáy lưng ong thướt tha trong tà áo bà ba, mái tóc thề quyện hương điên điển ngan ngát, ngọt ngào, thấp thoáng ẩn hiện bên rặng điên điển như sương khói mong manh tan loãng giữa sóng nước, tan loãng trong câu hò gieo thương nhớ chơi vơi. Không biết tự bao giờ, câu hò ngọt lịm miền sông nước ấy đã xe bao mối duyên lành trai gái quê tôi.
Xưa...thật xưa, ông bà ngoại tôi nên duyên vợ chồng vào mùa nước nổi. Dẫu đó là cuộc hôn nhân được bắc cầu bằng lời đính ước của cha mẹ đôi bên nhưng cuộc sống vẫn vuông tròn, cơm lành canh ngọt và có với nhau tận năm mặt con mà chưa điều nặng, tiếng nhẹ. Ngoại nấu canh chua điên điển ngon nhất làng. Giữa cái oi nồng của mùa hạ, cái nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, bát canh chua điên điển đẹp lòng tía má chồng, ngọt ngào nghĩa tình phu thê.
Rồi tía, má tôi cũng gặp gỡ, nên duyên vào mùa nước nổi. Má đi thuyền hái bông điên điển, tía đánh cá linh và họ phải lòng nhau, thầm thương, trộm nhớ nhau để mùa cá linh sau, tôi chào đời vào ngày con nước lên ròng.
Nhưng trớ trêu thay! Mối duyên đầu của tôi lại rạn vỡ trong mùa nước nổi. Tạo công trêu cợt cắt sợi tơ hồng làm đôi để anh buông tay tôi đi tìm sự nghiệp nơi xứ người. Anh nói mình không có quyền níu giữ thanh xuân của tôi vì thời con gái qua mau, mong tôi tìm được hạnh phúc thực sự. Tôi đã khóc, giọt nước mắt trong veo hòa vào con nước phù sa đỏ như màu tim vỡ. Tôi oán trách anh ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình mà không đoái hoài cảm xúc của người khác.
Rồi thì vết thương cũng lành! Tình đầu rong rêu phủ. Tôi lại đẹp duyên cùng chàng trai miền sông nước nên thơ. Chàng trai ấy làm nghề hạ bạc, có bờ vai vạm vỡ săn chắc, đủ rộng để che chở cho tôi trước mọi bão giông cuộc đời. Hành trang má chuẩn bị cho tôi về nhà chồng là món canh chua điên điển như ngoại đã từng dạy má nấu thuở xưa.
Còn nhớ, vào những ngày giỗ ngoại, má đều nấu canh chua điên điển thắp nhang. Tôi tấm tắc khen má nấu ngon y hệt ngoại. Má ngậm ngùi, lắc đầu: “Chưa đâu con, vẫn còn thiếu một vị!”. Tôi tròn mắt hỏi: “ là vị gì vậy má?”, má lặng lẽ, rưng rưng: “ Một ngày nào đó, con sẽ nhận ra!”. Bao tháng ngày, tôi tự đi tìm câu trả lời cho mình mà không nổi. Rồi tôi cũng quên, thôi khỏi thắc mắc nữa.
Một mùa nước nổi, má cũng theo ngoại về miền cực lạc. Ngày giỗ má, tôi tự tay nấu canh chua cá linh dâng lên bàn thờ. Bát canh thơm mùi bông điên điển vàng ươm hòa lẫn vị ngọt của cá sông, vị thanh mát đọt bông súng mới hấp dẫn làm sao! Con gái tôi xuýt xoa khen tôi nấu ngon như ngoại. Tôi xoa đầu con thầm thì như má từng nói với tôi: “Vẫn còn thiếu một vị con ạ!”. Tôi đã nhận ra vị khuyết thiếu trong câu nói của má sau bao tháng ngày đi tìm. Con gái tôi ngạc nhiên hỏi: “Vị gì hả má?”. Ôm con vào lòng, khóe mắt tôi cay cay, trong lòng tôi trỗi dậy niềm suy tư: “Một ngày nào đó, con cũng sẽ nhận ra vị khuyết thiếu trong bát canh như má. Nhưng má mong ngày đó thật xa”.
Là tôi chợt nhận ra rằng mẹ tôi, ngoại tôi đã nấu canh chua không chỉ bằng tài nghệ nội trợ của phụ nữ miền Tây, mà còn một vị đặc biệt họ ấp ủ trong bát canh ấy đó là lòng yêu thương, chi chút. Hương vị tình thân ấy đâu thể mua ngoài chợ đời, chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Khi ta mất đi một người thân, bát canh như khuyết một vị da diết lắm!
Tôi đã ngụp lặn qua bao mùa nước nổi, bao mùa cá linh dệt xanh dòng, bao mùa điên điển trổ bông gieo màu thương, hương nhớ. Sắc hoa vàng hoe nắng hong mối tình sông nước. Cánh hoa mơn man trong gió ru vỗ, ấp ủ bao điều thầm kín chưa ngỏ. Con nước ròng rồi con nước vơi dần. Đồng ruồng trơ cuống rạ. Hết mùa cá linh, người dân quê tôi lặng lẽ thu lưới, gác chèo. Đến hẹn lại lên! Mỗi năm một lần, người dân miền Tây với mùa nước nổi như mối duyên tao ngộ. Mùa đến, rộn ràng, háo hức; mùa đi, bâng khuâng, thao thiết đợi mùa sau...
Thương nhớ miền nước nổi!
Anh Phan