BỒI HỒI "MÀU HOA ĐỎ"
Như thành lệ, cứ mỗi khi tháng Bảy về, Đoàn trường tôi lại tổ chức buổi lễ "Thắp nến tri ân" tại nghĩa trang liệt sĩ của xã nhà vào tối ngày 27/7. Đây là một hoạt động tri ân giàu ý nghĩa của tuổi trẻ dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng là dịp để tuổi trẻ Việt Nam ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông, từ đó tự hào, tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước nhà.
Cũng trong những ngày tháng Bảy này, tôi thường nghe, thích nghe và thích trầm ngâm hát bài "Màu hoa đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhạc sĩ Thuận Yến.
“Có người lính
Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hóa bóng cây tre
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo...
Việt Nam ơi ! Việt Nam !
Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
Việt Nam ơi ! Việt Nam !
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn”
Tôi hát không hay nhưng không hiểu sao khi hát bài hát này của nhạc sĩ Thuận Yến, tôi lại nhập tâm và biểu cảm đến thế. Có lẽ là do tôi đang hòa mình vào dòng cảm xúc của nhà thơ, của nhạc sĩ; đang thật sự sống với linh hồn của bài hát; đang hoá thân vào hình ảnh của những nhân vật trong bài ca: "Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo; có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về".
Chao ôi! Nghe thật xót xa. Thật trầm hùng. Nhưng không bi luỵ. Có đau thương nhưng xiết bao tự hào. Các anh ra đi đáp lời sông núi, khi tuổi đời còn mười tám, đôi mươi, trẻ mơ trẻ măng. Những đứa con sinh ra từ núm ruột của mẹ. Tiễn con đi đánh giặc, mẹ đã gửi trao núm ruột của mình cho người mẹ chung, vĩ đại, cao cả hơn: Mẹ Tổ quốc. Các anh ngã xuống, máu thắm đỏ quốc kì phần phật bay trong gió, ngạo nghễ, kiêu hùng. Các anh không về, lòng mẹ lặng đi, đau thương, nghẹn ngào! Vì đất nước quên mình, vì nhân dân hi sinh, tên tuổi của các anh đã chạm khắc vào đá núi, hồn cốt của các anh đã hoá vào cỏ cây; mãi mãi, muôn đời trường tồn cùng non sông, đất nước. Chiều biên ải xa xôi, sương giăng trắng núi đồi, ở quê nhà, mẹ đang mỏi mòn, ngóng trông, dõi nhìn về nơi ấy, lòng mẹ hoá đá đợi con về.
Sau âm điệu trầm hùng, bi tráng ấy là điệp khúc nức nở, đau thương, vút cao, vang vọng: “Việt Nam ơi Việt Nam, núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con”. Các con của mẹ ngã xuống, hi sinh vì nước, vì dân. Mẹ, đã hoá thân vào non sông. Mẹ, đã hoá thân vào đất nước. Mẹ, đã đồng điệu cùng Tổ quốc, quê hương. Mẹ, vẫn là người mẹ bằng da bằng thịt ấy nhưng vì đức hi sinh, dâng hiến này, mẹ đã là núi, là sông, là đồng, là bể, là Tổ quốc, là đất nước rồi, mẹ ơi! Lời ca nức nở gọi tên Tổ quốc, ngợi ca tình mẹ, gợi tả sâu sắc nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh, cảm nhận sự bất tử của người lính trong sắc đỏ của "màu hoa đỏ phía rừng xa, màu hoa đỏ trước hoàng hôn". Nghe sao cứ thấy cuộn lên trong lòng bao nhiêu cảm xúc nghẹn ngào, da diết, bi hùng đến thế!
Sau những ca từ đầy xúc động đó, người hát, người nghe hiểu thêm về sự hi sinh cao đẹp của người lính; hiểu thêm về đức hi sinh cao cả của những bà mẹ Việt Nam anh hùng; hiểu nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh; hiểu ý nghĩa của cuộc sống tươi đẹp hôm nay và giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc; tự hào, sẵn sàng tiếp bước cha anh khi Tổ quốc cần.
Giữa bề bộn cuộc sống đời thường, ngày 27/7, có vài phút lòng xin lắng lại để cảm nhận và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh vệ quốc. Khó diễn tả thành lời. Chỉ biết thực sự lòng thấy rưng rưng, nhất là khi điện tắt, điệu nhạc trầm hùng tưởng nhớ cất lên giữa muôn ngàn ngọn nến lung linh trong đêm, quyện mùi hương trầm thơm ngát và chất giọng truyền cảm của người dẫn chương trình. Các em học sinh ngồi cạnh để thắp nến, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Không biết trong lòng các em nghĩ gì, thấy gì nhưng thấy các em có ý thức ăn mặc chỉn chu, ngồi trầm lặng bên các nấm mồ liệt sĩ, lòng tôi tự nhiên thấy ấm áp, vui vui. Hình như đã có sự kết nối tâm linh. Lòng nguyện cầu cho quốc thái, dân an, hòa bình hạnh phúc khắp năm châu bốn biển.
Hiền Hòa