Bỏ Tết cổ truyền kéo theo nhiều hệ lụy
Trước đây, dưới thời các triều đại Lý, Trần, Lê, ông cha ta cũng tổ chức lễ Tết rất trang trọng. Những lễ nghi trong ngày Tết Nguyên đán như tục tiễn ông Táo về trời, bày mâm ngũ quả, tất niên, cúng giao thừa, tục xông nhà, mừng tuổi… chính là những giá trị hiện sinh, thành quả của cả dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm dựng và giữ nước.
Những giá trị văn hóa trong Tết Nguyên đán còn tồn tại đến ngày nay đã là sự kế thừa có chọn lọc của nhiều yếu tố. Vì lẽ đó, chúng ta không thể gạt bỏ được thêm nữa những giá trị ấy. Nếu tiếp tục gạt bỏ, việc đánh mất luôn cả Tết cổ truyền rất có thể xảy ra. Bên cạnh đó, sự phát triển xã hội nếu gạt qua ngày Tết cổ truyền sẽ chuyển thành sự phát triển nhất thời vì suy cho cùng, văn hóa là nền tảng của sự phát triển.
Đó là lý do tại sao để chỉ văn hóa của một quốc gia, người ta thường dùng khái niệm “nền văn hóa”. Những quan điểm cho rằng đưa Tết Nguyên đán đồng nhất với Tết của phương Tây sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy to lớn.
Hơn nữa, Tết Nguyên đán là dấu mốc cho thấy sự giao hòa của đất - trời vạn vật. Đó còn là sự hòa điệu giữa con người với thiên nhiên. Chữ “nguyên” có nghĩa bắt đầu; “đán” là buổi ban mai, bắt đầu ngày mới. Còn chữ “Tết” là do sự biến âm từ chữ “tiết” mà ra. Vì vậy, “Tết Nguyên đán” còn được gọi là Tết ta, Tết Cả để phân biệt với Tết Tây theo Dương lịch.
Sự hình thành và tồn tại của Tết Nguyên đán ở Việt Nam đã phản ánh vai trò của nó trong đời sống của xã hội người Việt. Với đặc thù nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, phải tối tăm mặt mũi vì việc đồng áng cho nên họ có tâm lý ăn chơi bù. Vì vậy, xét dưới mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, Tết Nguyên đán chính là biểu hiện của sự vận động của vũ trụ theo chu kỳ xuân - hạ - thu - đông. Nó có ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.