Bố cục, mảng, nét, hòa sắc trong tranh dân gian Đông Hồ
Trong hội họa phương Tây, phối cảnh không gian xa gần thường được sử dụng để tạo nên bố cục dựa trên quy luật thị giác. Tuy nhiên, tranh Đông Hồ lại mang một phong cách hoàn toàn khác, không sử dụng đường chân trời, tiền cảnh hay hậu cảnh, không có sự chuyển đổi độ đậm nhạt và các yếu tố tương tự. Thay vào đó, dòng tranh này chỉ sử dụng những mảng màu đơn sắc được phân chia bằng đường viền thô, rõ ràng, bên cạnh đó các nhân vật được sắp xếp dàn đều trên bề mặt tranh.
Một đặc điểm độc đáo khác của tranh Đông Hồ là sự kết hợp giữa hình thể và chữ viết. Trong tranh, thường có sự xuất hiện của chữ đề thơ, mảng chữ này góp phần tạo nên sự gắn kết và hoàn chỉnh trong không gian bố cục của tranh, đồng thời truyền tải ý tưởng về nội dung một cách rõ ràng. Nét chữ được xem như một phần của nét vẽ trong tranh, tương đồng và hài hòa với các hình thể khác. Vì vậy, dù chỉ với một số ít nhân vật được biểu thị một cách đơn giản và không gian mang tính tưởng tượng, kết hợp với các chữ đề thơ, người xem vẫn có thể cảm nhận được toàn bộ sự thú vị của tranh, dễ dàng nhận thấy ý nghĩa và tư tưởng mà nghệ nhân muốn truyền tải qua tác phẩm.