Biện pháp sàng lọc ung thư vú cho kết quả chính xác cao
Phương tiện tầm soát thứ nhất - siêu âm vú: Siêu âm vú tức là sử dụng sóng siêu âm nhằm phát hiện những bất thường của vú, tuyến vú thông qua việc tái hiện hình ảnh phản hồi từ sóng, thông qua đó ta có thể thấy được những thương tổn nằm sâu trong mô vú mà không phát hiện được qua thăm khám lâm sàng thông thường, cũng như phần nào xác định được bản chất của khối tổn thương. Ưu điểm của siêu âm, không chỉ trong tầm soát ung thư vú, là nhanh chóng, tiện lợi, cho kết quả ngay, có thể lập lại nhiều lần, hơn nữa lại không độc hại do không phải dùng các loại tia cho nên siêu âm vú vẫn là ưu tiên hàng đầu, và được ứng dụng rộng rãi trong việc phát hiện, chẩn đoán và cả theo dõi các bất thường ở vú. Tuy nhiên, nhược điểm của siêu âm là nó sẽ phụ thuộc và người thực hiện siêu âm có nhiều kinh nghiệm và có khả năng đọc tổn thương đến đâu. Do vậy việc tầm soát ung thư vú thông qua siêu âm cần được tiến hành ở các cơ sở y tế tin cậy.
Chụp X - quang tuyến vú: Chụp nhũ ảnh, hay chụp X - quang tuyến vú là kỹ thuật sử dụng phương tiện phát tia X chuyên biệt cho việc chụp mô vú. Việc chụp X - quang diễn ra tương đối nhanh chóng, tuy nhiên do cần đè ép mô vú sát lại để có được hình ảnh toàn diện của mô vú nên có thể sẽ đem lại một số khó chịu cho chị em. Chụp nhũ ảnh không nên được tiến hành trong kỳ kinh hay các ngày gần ngày kinh nguyệt, vì lúc này nồng độ hormone tăng cao tuyến vú sẽ căng tức hơn bình thường, chụp vào thời điểm này không chỉ gây ra nhầm lẫn các tổn thương trên phim mà còn tăng sự khó chịu khi chụp cho người chụp. Do vậy, tốt nhất chị em nên chụp X quang tuyến vú vào một tuần sau khi sạch kinh.
Phương tiện tầm soát thứ ba - xét nghiệm gen: Như chúng ta đã đề cập ở phần trước, đột biến gen BRCA1 và BRCA2 là hai gen liên quan mật thiết tới việc phát triển ung thư vú. Do vậy việc tầm soát phát hiện ra mang gen đột biến đóng một vai trò mang tính đột phá trong việc chẩn đoán sớm, đánh giá đúng nguy cơ của bệnh ung thư vú.