Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là cách cơ thể tự loại bỏ vi trùng, và hầu hết các đợt tiêu chảy ở trẻ em sẽ kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Tiêu chảy có thể xảy ra kèm theo sốt, buồn nôn và nôn, chuột rút và thậm chí phát ban. Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Tiêu chảy có 2 dạng: Tiêu chảy cấp ở trẻ: Trẻ đi ngoài phân lỏng kéo dài dưới 14 ngày. Nguyên nhân thường do thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn hoặc do siêu vi. Tiêu chảy mãn tính ở trẻ: Tiêu chảy kéo dài trong vài tuần. Tình trạng này xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do trẻ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng hội chứng ruột kích thích, hoặc không dung nạp hay dị ứng với thức ăn.
Nguyên nhân:
- Nguyên nhân một phần là do thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ bị ôi thiu, ruồi nhặng phát triển, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy.
- Trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa hoặc nhiễm khuẩn đường ruột, kém hấp thu dưỡng chất, bị dị ứng thức ăn có thể bị tiêu chảy. Ngoài ra trẻ dị ứng với sữa hoặc bà mẹ sử dụng quá nhiều thức ăn và thuốc có tính chất nhuận tràng trong giai đoạn cho trẻ bú… cũng có thể bị tiêu chảy.
Triệu chứng:
- Đi ngoài phân lỏng có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày).
- Đau bụng từng cơn hoặc liên tục kèm theo mót rặn.
- Đau quanh hậu môn; buồn nôn hay nôn.
Cách phòng tránh:
- Rửa tay cho trẻ sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý chất thải của trẻ đúng nơi, hợp vệ sinh.
- Thường xuyên tắm cho trẻ và vệ sinh cho trẻ hàng ngày.
- Với trẻ sơ sinh đang bú mẹ thì không ăn thêm thức ăn nào khác vì sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng với tỉ lệ cân đối cho trẻ. Cho trẻ bú ít nhất 6 tháng để đảm bảo sức khỏe và an toàn vệ sinh cho trẻ.
- Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tiêu chảy bạn hãy mang đến ngay cơ sở y tế hoặc các bệnh viện để các bác sĩ tư vấn và chữa trị tránh trường hợp tự điều trị ở nhà có thể bệnh nặng hơn, trẻ mất nhiều nước và chất điện giải.