Bệnh rôm sảy
Rôm sảy hay phát ban nhiệt là chứng bệnh ngoài da thường gặp vào thời tiết ẩm, nóng. Bệnh không gây đau đớn nhưng có thể tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, nổi mụn lớn có thể gây đau nhức, nhất là khi quần áo của trẻ cọ vào vết rôm sảy hay chạm tay vào vết mụn. Rôm sảy là chứng bệnh lành tính, đa số các trường hợp bị rôm sảy không cần đến bệnh viện điều trị nhưng nếu bị biến chứng, nhiễm trùng nặng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để có phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân:
- Rôm sảy là tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây ra sự ứ đọng mồ hôi, ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da bị viêm và xuất hiện các mụn nhỏ màu hồng trên da.
- Bệnh thường gặp ở trẻ em nhất là vào mùa hè do ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, lại thêm thời tiết mùa hè nắng nóng cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát ra ngoài hết, gây ứ đọng mồ hôi và bít tắc tuyến mồ hôi.
Triệu chứng:
- Trẻ xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc thành đám, trên nền da mẩn đỏ.
- Trẻ quấy khóc nhiều, ngứa, bứt rứt và khó chịu.
- Khi trẻ gãi có thể gây trầy xước da, nhiễm khuẩn thành các mụn mủ hay nhọt trên da.
- Rôm sảy chủ yếu gặp ở các vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như ở trán, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng.
Cách phòng tránh:
- Thường xuyên tắm cho trẻ và vệ sinh thân thể cho trẻ. Có thể dùng các loại lá như lá kinh giới, lá giấp cá để tắm cho trẻ trong mùa hè.
- Cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát tránh ra nhiều mồ hôi.
- Khi trẻ bị rôm sảy không bôi phấn rôm trên da trẻ vì phấn rôm sẽ làm bít tắc đường thoát mồ dẫn đến ứ đọng mồ hôi tạo ra nhiều rôm hơn.