Bài văn thuyết minh về đồng phục học sinh hay nhất - Bài văn mẫu số 6
Mỗi mùa thu, khi những chiếc lá bắt đầu ngả vàng là mỗi mùa chúng ta biết rằng mùa tựu trường sắp tới. Khắp trên các đường phố, làng quê, những màu áo trắng bay phấp phơi, rạng rỡ của một khung trời. Những bộ đồng phục trắng tinh khiến cho ai nhìn thấy cũng bồi hồi nhớ về những ngày tháng được ngồi trên ghế nhà trường.
Bất cứ ai cũng đã từng một lần được khoác lên mình chiếc đồng phục nhà trường. Thế nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết được ý nghĩa của nó cũng như giá trị của bộ đồng phục đó. Vậy nên để tìm hiểu những giá trị của đồng phục cũng như lợi ích của đồng phục, chúng ta cần đi tìm hiểu khái niệm đồng phục là gì?
Đồng phục hay bộ đồng phục là các loại quần áo giống nhau, được mặc bởi các thành viên một tổ chức, một doanh nghiệp, một trường học, ... khi tham gia các hoạt động của các tổ chức đó theo quy định của tổ chức. Đồng phục học sinh là đồng phục được mặc ở trong một trường học, được thống nhất dựa trên quy định, nội quy của trường học đó. Đồng phục xuất hiện lần đầu tiên từ một dòng các nhà tu thuộc triều đại Tudor Anh của vua Henry VIII với mục đích thống nhất và quản lý chặt chẽ các học sinh của trường. Năm 1870, Luật Tiểu học được ban ra và đồng phục trở nên phổ biến trong các nước Phương Tây, sau đó, được phổ biến ra toàn thế giới. Đến thế kỉ XX, đồng phục học sinh đã trở thành một phần không thể thiếu trong các trường học trên phạm vi toàn thế giới.
Việt Nam từ xưa đã là một đất nước có nền văn hoá lâu đời, vậy nên, việc học hành càng được coi trọng. Từ xưa, các thầy đồ, quan nghè khi đi thi, đi học cũng đều phải diện áo the, khăn xếp, đó là tiền đề của đồng phục học sinh. Đến khi Pháp xâm lược nước ta thì văn hoá đồng phục trong nhà trường đã được cải cách theo hướng Tây hoá. Các nhà trường nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ của phương Tây trong đó có văn hoá đồng phục ở nhà trường. Vậy nên ngày nay, ta thấy ở Việt Nam, ở mỗi miền đều có những bộ đồng phục học sinh mang phong cách khác nhau.
Một bộ đồng phục học sinh phổ biến ở Việt Nam đầy đủ sẽ bao gồm một chiếc áo sơ mi trắng và một chiếc quần tây đen. Chiếc áo sơ mi trắng được may bằng loại vải mát, thoáng khí với những đường cắt may tinh xảo. Từng đường kim mũi chỉ thẳng tắp, đều đặn, tạo nên chiếc áo sơ mi rất gọn gàng, đứng đắn. Cổ áo và cổ tay áo đều được may cứng cáp để cổ áo có thể dựng thẳng và tay áo có thể cài cúc một cách dễ dàng. Mỗi chiếc áo được đính năm chiếc cúc màu trắng, thẳng hàng với nhau ở mặt trước của áo, để chúng ta có thể cài áo gọn gàng. Đặc biệt, trên ống tay áo của áo đồng phục sẽ được đính thêm một chiếc logo của trường. Chiếc logo này được thiết kế theo phong cách của mỗi trường và có tên trường kèm ở phía dưới. Đây là điều khác biệt nhất của chiếc áo đồng phục học sinh so với các loại đồng phục khác. Nó tạo nên điểm nhấn đặc sắc mà không loại đồng phục nào có thể có được.
Về quần đồng phục của học sinh thì thường có màu đen hoặc màu xanh thẫm. Chiếc quần được cắt theo kiểu quần tây, ống đứng, rộng rãi, phù hợp cho các bạn học sinh có thể thoải mái tham gia các hoạt động. Đường may và xếp ly thẳng ở giữa ống quần và hai bên làm cho chiếc quần thêm phần lịch sự, trang nhã, giúp cho các bạn học sinh thêm tự tin khi đến trường.
Mỗi trường học thì đều có quy định về việc mặc đồng phục khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết mỗi ngày học sinh đều phải mặc đồng phục đến trường. Vào mùa đông, các bạn học sinh sẽ có thêm chiếc áo khoác đồng phục để mặc bên ngoài chiếc áo trắng vừa ấm áp lại thêm phần màu sắc cho cả ngôi trường.
Đồng phục học sinh không chỉ mang lại sự lịch sự, trang nhã mà còn mang ý nghĩa trang nghiêm sâu sắc. Mỗi học sinh được khoác lên người bộ đồng phục đều cảm thấy tự hào, xúc động, nhất là trong những buổi chào cờ thứ hai hàng tuần. Mặc đồng phục không phải là sự bó buộc, quản thúc mà là sự tôn trọng, tạo nên sự đồng đều trong cách ăn mặc của mỗi học sinh, tránh được sự phân biệt giàu nghèo giữa các học sinh với nhau. Khoác lên mình bộ đồng phục, đến trường học, các bạn học sinh sẽ tự ý thức được nhiệm vụ của mình là học tập, rèn luyện trên băng ghế nhà trường chứ không phải là sự so sánh, khoe khoang mà sao nhãng đi mục đích chính. Thêm vào đó, mặc đồng phục sẽ giúp cho gia đình, các bậc cha mẹ, nhất là các gia đình còn khó khăn, tránh được những khoản phát sinh do yêu cầu về quần áo, trang phục. Bởi một bộ đồng phục có thể mặc được cả năm. Điều đó sẽ giúp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ bớt được một khoản chi phí tài chính phát sinh không đáng có. Đó là lý do mà đồng phục học sinh được sinh ra, được phát triển.
Ngày nay, có rất nhiều bạn học sinh cho rằng đồng phục nhà trường là bộ trang phục xấu, không đẹp, không phong cách. Vậy nên, để phục vụ mục đích cá nhân của mình mà các bạn đã đem những bộ đồng phục đi sửa đổi, đi may thêm các phụ kiện khiến cho bộ đồng phục trở thành điểm nhấn. Với các bạn, đó là đẹp, là thời trang, là phong cách, nhưng liệu điều đó có thực sự cần thiết khi các bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường với mục đích duy nhất là học tập để có thành tích tốt nhất? Việc sửa đổi bộ đồng phục sẽ làm mất đi sự thiêng liêng, mất đi giá trị cũng như ý nghĩa của việc mặc đồng phục trong nhà trường.
Mỗi học sinh, mỗi chúng ta nên hiểu rằng việc được mặc lên người bộ đồng phục là điều vô cùng thiêng liêng. Bởi lẽ không phải ai cũng có thể được mặc những bộ quần áo ấy. Vậy nên mỗi chúng ta hãy tự ý thức, tự hiểu rõ giá trị của bộ đồng phục mà trân trọng, giữ gìn nó. Để sau này, khi trưởng thành, mỗi khi nhớ lại, chúng ta đều tự hào đã được mặc lên mình bộ trang phục đẹp đẽ và trang nghiêm nhất cuộc đời học sinh của mình.