Bài văn thuyết minh về di tích lịch sử Đền Hùng số 4
Trên đất nước Việt Nam yêu dấu có rất nhiều cảnh đẹp. Nhưng cảnh đẹp mà tôi tự hào nhất là Đền Hùng – nơi thờ các Vua Hùng thời xưa đã có công dựng nước. Đền Hùng là một thắng cảnh đẹp, một di tích lịch sử có ý nghĩa nhất đối với người Việt Nam vì đó là nơi thờ cúng, tưởng niệm của vua Hùng, tổ tiên chung của cả dân tộc.
Đền Hùng nằm ở phía tây bắc Hà Nội, cách Thủ đô chưa đầy 90km. Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng hay còn được gọi là núi Cả, núi Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiêu Sơn,…). Núi có độ cao 175m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Văn, núi Trọc, núi Pheo. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145m. Theo truyền thuyết, ba đỉnh núi này là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.
Phong cảnh nơi đây mới hùng vĩ làm sao! Ở đó núi non trùng điệp, rừng cây bạt ngàn xanh tốt. Vào những ngày đẹp trời, ta có thể nhìn thấy dòng sông Lô hiền hòa, trong vắt, những xóm làng ẩn hiện trong vườn cây trái như một bức tranh đầy màu sắc. Từ núi Nghĩa Lĩnh có thể’ quan sát được cả một vùng rất rộng của trung tâm Bắc Bộ với ngã ba Hạ, nơi sông Lô đổ nước vào sông Hồng, với các dãy núi Tam Đảo, Ba Vì và các dãy đồi lượn sóng xen kẽ giữa những cánh đồng tốt tươi, những vùng quê trù phú của vùng trung du.
Toàn bộ khu di tích gồm 4 đền, 1 chùa và một lăng hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất đẹp mắt. Cao nhất là Đền Thượng, thấp nhất là Đền Giếng. Các Đền được xây dựng theo một kiến trúc cổ kính. Sau khi qua cổng chính của khu di tích, qua 225 bậc đá, là lên đến đền Hạ. Ở khu vực Đền Hạ có chùa Thiên Quang và cây Thiên Tuế 700 tuổi; gần đó có đền Ngọc và giếng Ngọc. Từ Đền Hạ theo 168 bậc đá nữa là Đền Trung và lên tiếp 102 bận nữa thì lên Đền Thượng và có lăng vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ.
Cổng đền được xây theo kiểu vòm cuốn. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, bốn góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ; giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh-hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần. Qua cổng chính là Đền Hạ. Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Ngay chân Đền Hạ là nhà bia, trên đỉnh có đắp hình, nậm rượu. Nơi đây đặt bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Gần Đền Hạ có ngôi chùa Thiên Quang thiền tự. Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Bác Hồ ngồi nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ. Chùa có một gác chuông được xây dựng vào thế kỉ XVII. Tiếp đến là Đền Trung. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu – người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.
Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để cử hành những buổi lễ thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng.
Tiếp đến là Lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng hình vuông, tầng dưới bốn góc đắp bốn con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc”. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, hai bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lãng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài, có mái mui luyện.
Từ Đền Thượng, đi tham quan một đoạn nữa là đến Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh), tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời, cổng Đền Giếng có kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn). Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu.
Ngay dưới chân núi là Bảo tàng Hùng Vương. Trong Bảo tàng có nhiều hiện vật, tranh ảnh, tượng lớn khắc hoạ chủ đề: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”. Vào những ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cờ, hoa, biểu ngữ được trang hoàng khắp mọi nơi. Cờ bay đỏ những cành cây, đỏ những mặt hồ. Trong những ngày lễ, Đền Hùng càng đông khách thập phương đến tham quan và thắp hương, tưởng nhớ ghi dấu công ơn của các vua Hùng. Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử — văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!
Trẩy hội Đền Hùng là truyền thống văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong rất nhiều những ngày hội được tổ chức trên khắp đất nước, hội đền Hùng vẫn được coi là hội linh thiêng nhất bởi đó là nơi mỗi người Việt Nam nhớ về cội nguồn và truyền thống oai hùng, hiển hách của cha ông.