Bài văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh quê hương em hay nhất - Bài số 2
Về thăm đô cũ Đinh Lê
Non xanh nước biếc bốn bề như tranh”
Những du khách từng đặt chân tới Ninh Bình, không ai là không một dịp tò mò mà đến thăm Tràng An cổ – trái tim của kinh đô Hoa Lư. Cũng như bao người khác, tôi cùng những người bạn của mình đã được dịp đến tận mắt chiêm ngưỡng khu danh lam thắng cảnh này để rồi phải xuýt xoa trước vẻ đẹp của nó.
Xuôi một chặng đường dài vô tận, qua con đường hai bên là trận cờ lau gắn liền với những chiến tích lịch sử oai hùng, con người trở về nơi đất tổ linh thiêng – Tràng An Cổ. Đất Ninh Bình là nơi sinh ra một vị vua tài giỏi, người có công lao tạo lập một triều đại độc lập và tự chủ trong lịch sử dân tộc – Đinh Bộ Lĩnh, một anh hùng hào kiệt dẹp loạn mười hai sứ quân khai sinh ra nước Việt vào năm 968 và trở thành người đầu tiên xưng ngôi hoàng đế, lập ra một đất nước độc lập tự chủ . Mỗi thắng cảnh Tràng An Cổ lại gắn liền với một sự kiện, một mạch nối với triều đại Đinh Tiên Hoàng. Tràng An Cổ – nơi đây lắng đọng biết bao những góc khuất lịch sử. Nhờ sự sắp xếp tài tình của mẹ thiên nhiên , nhờ tấm lòng rộng lớn của tạo hóa đã ban tặng những tinh túy quý báu nhất trong mảnh đất địa linh kiệt.Nâng niu trân trọng những dấu ấn lịch sử ấy hành trình khám phá Tràng An Cổ được thiết kế theo dấu chân xưa của vua Đinh,theo hướng Nam là hướng xuất binh của Đinh Bộ Lĩnh xưa kia.Có lẽ vậy mà nhiều khi cái nhìn về Tràng An Cổ cũng khác đi. Nó không chỉ còn là những dấu tích sót lại hay là món quà tinh túy nhất của thiên nhiên ban tặng, không chỉ còn là bức tranh sơn thủy hữu tình mà nơi đây hiện ra như một cuốn sổ vàng. Lật từng trang sách, ta thấy hiện ra từng trang sử oanh liệt hào hùng.
Chúng tôi, những đứa con được trở về với cội nguồn, linh hồn đất Việt – nơi vua Đinh từng ở, được cảm nhận không khí linh thiêng thực sự là một trải nghiệm khó quên. Thắng cảnh Tràng An Cổ nằm cách Tràng An không xa nhưng quy mô nhỏ hơn và mang đậm dấu ấn lịch sử của triều đại vua Lê nơi Ninh Bình. Bước xuống xe, từ xa chúng tôi đã thấy lấp ló chiếc biển khu di tích Tràng An Cổ. Rời xa nơi thành phố náo nức chật chội, chúng tôi được trải nghiệm bầu không khí trong lành yên bình cùng sự tâm linh, cùng nhau trải nghiệm và lắng nghe những câu chuyện, những sự tích kì bí cùng nhau tìm về nơi cội nguồn linh thiêng của mỗi con người đất Việt.
Đi dần vào sâu bên trong Tràng An Cổ, mọi người được lắng nghe những thanh âm của thiên nhiên nơi cố đô Hoa Lư. Bước lên những bậc thang đá, các du khách lên đến ngôi phụ đại tôn thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng công thần khai quốc triều Đinh Thái tể định quốc công Nguyễn Bặc cùng những đại thần tướng sĩ triều Đinh. Ngôi phủ tựa như một viên ngọc lọt giữa hàm rồng. Ai đi về thăm cũng có cơ hội được dâng lên nén hương bày tỏ tấm lòng của con dân đất Việt. Khi bước vào không gian đền, ta được ngắm nhìn những cổ vật thiêng liêng từ thời vua Đinh Bộ Lĩnh.
Tục truyền rằng, xưa Đinh Bộ Lĩnh cùng các trọng thần, tướng lĩnh đã ngự tại đây,trước khi xuất binh hay làm lễ tế cờ, thắng trận trở về bao giờ cũng làm lễ tạ ơn. Vì vậy trên cửa phủ có treo bức đại tự : Khai môn kiến hỉ (Cửa cầu gặp may). Thế nên đến đây, tất cả được cùng nhau bái lạy, chắp tay thành khẩn tỏ lòng mình cầu may mắn, hạnh phúc, ấm no, sung túc đủ đầy. Không chỉ vậy ta còn được bày tỏ lòng kính trọng đối với những bậc trung thần thời Đinh đã từng hy sinh thân mình để giúp dân giúp nước. Mọi người như được đắm mình trong không khí lịch sử bi tráng một thời.Sâu trong tẩm điện là cung thờ hoàng đế Đinh Tiên Hoàng. Năm xưa chính tại tổng Hoa Lư này, người đã xưng là Vạn Thắng vương thu nạp nghĩa binh dẹp loạn mười hai sứ quân, khai sinh ra nước Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình với mong muốn thiên hạ thái bình, nhân dân an lành. Ra khỏi đền, tiếp tục đi lên những bậc thang đá là đến Giếng Giải Oan – nơi thoát lên của những linh hồn oan ức được cứu rỗi siêu sinh mà giải thoát. Đây cũng là một trong những tín ngưỡng của dân gian ta.
Vì vậy cửa hang Đại tôn lập ban thờ Thập Bát Long thần là như thế.Khi gặp phải khó khăn, cử hành việc lớn thì con người tìm về với nơi đây thành tâm cầu khẩn để được phù hộ và giải cứu rất linh ứng.
Kết thúc trải nghiệm ngôi đền, mọi người sẽ có cơ hội được du ngoạn trên sông. Xuôi theo dòng Sào Khê lịch sử, ta được dịp lắng nghe tiếng giới thiệu say sưa của cô hướng dẫn viên về những trang sử vàng quê hương theo nhịp mái chèo đưa hòa cùng non nước hữu tình. Dòng Sào Khê lịch sử chảy dọc qua cố đô Hoa Lư theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đước chúng tôi qua hang Luồn. Tại đây, ta được chiêm ngưỡng những dấu ấn lịch sử chạm khắc trực tiếp lên đá. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử mà những dấu ấn đó vẫn còn nguyên vẹn và trở thành dấu ấn văn hóa chỉ có thể tìm thấy ở Tràng An Cổ lưu truyền hậu thế. Du khách tham quan còn được lách mình dưới những dãy núi đá vôi lấp lánh. Vì thế về với mảnh đất Ninh Bình, Tràng An Cổ không chỉ đưa ta về với những câu chuyện lịch sử hào hùng mà còn là hành trình khám phá cái đẹp của non nước vùng đất cố đô. Dọc theo hai bờ sông là những ngôi làng cổ trải dài 2km mang tên là làng Tràng An cổ cùng những thung lũng với những cái tên kì lạ như thung Gieo Lớn, thung Gieo Nhỏ, thung Nắc Nẻ,…Không chỉ thế, ta còn được ngắm nhìn những dãy núi đá dưới nắng như núi Trạng Nguyên, núi Hòn Sách. Khung cảnh hai bên bờ thật thơ mộng và yên bình, vì vậy về đây, lòng người cũng như được lắng lại sau những bon chen bộn bề nơi cuộc sống ngày thường. Mọi người được lướt đi dưới những con cầu, lắng nghe tiếng hát của cô hướng dẫn viên, cùng nhau hòa mình vào giai điệu của non nước lịch sử.
Hiện nay, Tràng An Cổ được bảo tồn và gìn giữ để vẫn mang trong mình nét cổ kính, thiêng liêng nhưng bên cạnh đó Tràng An Cổ cũng đang dần thay đổi. Những công trình khai quật và phục hồi đang được tiến hành để giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm hơn cũng như có được cái nhìn toàn cảnh hơn nữa về Tràng An Cổ thiêng liêng gắn bó với triều đại nhà Đinh lẫy lừng một thời.
Tràng An cổ từ lâu đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về với những giá trị văn hóa cổ truyền của đất nước. Bởi vậy, Tràng An cổ chính là niềm tự hào của mỗi người dân đất Ninh Bình nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung đối với bạn bè quốc tế, những người có dịp được đến và hòa cùng một nhịp với đời sống văn hóa phong phú nơi đây.