Bài văn thuyết minh về Chùa Một Cột số 7
Ngày nay, phương tiện giao thông phát triển, cuộc sống của con người ngày càng sung túc hơn và cũng là lúc họ bắt đầu hành trình đi khám phá đất mẹ Việt Nam. Trong suốt ngần ấy thời gian của một đời người, thủ đô Hà Nội là nơi tiếp chân của rất nhiều vị khách du lịch đến tham quan và một trong những địa điểm tiêu biểu, nơi in dấu cho cuộc hành trình ấy, là chùa Một Cột.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người lại càng thích thú với những công trình kiến trúc của thời xưa. Nếu Thánh địa Mỹ Sơn ở Tỉnh Quảng Nam hay Tháp Bà Ponagar ở tỉnh Khánh Hòa là những kiến trúc nghệ thuật, văn hóa của người Chăm Pa thời xưa thì chùa Một Cột là đài tượng niệm về những giá trị lịch sử, văn hóa thêm vào những nét kiến trúc độc đáo của phong kiến thời xưa, của nước Đại Việt một thuở. Vốn nằm trong quần thể chùa Diên Hựu trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, chùa ngự trị ở phía tây của hoàng thành Thăng Long đời Lý thời xưa nhưng giờ đây thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nằm bên tay phải là lăng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là một trong những thuận lợi để nhiều du khách biết đến ngôi chùa và những giá trị văn hóa, tâm linh mà ngôi chùa này mang theo. Chùa Một Cột hay còn có tên gọi khác là chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài. Chùa được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 ( 1049) thuộc đời Lý Thái Tông- theo Đại Việt sử ký toàn thư. Hay nói cách khác, chùa được xây xựng vào tháng 10 năm 1049 âm lịch. Chùa Một Cột là một trong số hình ảnh biểu tượng cho thủ đô Hà Nội. Chùa được xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay là nhờ vào giấc mộng trong đêm của vua Lý Thái Tông.
Theo sử sách kể lại, trong một đêm nọ, khi vua lý Thái Tông đang ngủ thì gặp chiêm bao. Trong mơ, ông thấy Phật Bà Quan Âm xuất hiện ngồi thiền trên một tòa đài hình bông sen đang phát sáng, ánh sáng vô cùng rực rỡ, đưa tay dắt vua lên đài. Sáng hôm sau, khi thức giấc, trong buổi chầu vua, Lý Thái Tông kể cho bề tôi nghe về giấc mộng đêm qua. Có người cho rằng đó là điềm xấu nhưng nhà sư Thiên Tuế lại bảo rằng đấy là điều tốt và khuyên vua nên xây chùa. Hiểu được suy nghĩ của nhà sư, vua Lý Thái Tông liền ra lệnh xây chùa và dưới thiết kế của nhà sư dựa trên giấc mơ đêm đó, vua cho xây dựng một cây cột lớn giữa hồ và đài hoa sen có tượng phật Bồ Tát Quan Âm, giống y hệt như trong giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Kể từ khi chùa được xây dựng, hằng năm cứ đến ngày rằm mồng một, vua lại đến đặt lễ để cầu phúc.
Ngoài ra, theo một số sách lại viết rằng vua Lý Thái Tông khi ấy đã gần hết tuổi thanh xuân nhưng vẫn chưa có con kế thừa. Trong một đêm nằm ngủ, vua gặp chiêm bao. Trong mơ, Lý Thái Tông, ông nhìn thấy phật Bà Quan Âm xuất hiện ngồi trên tòa đài hình bông sen sáng rực rỡ và trên tay , phật đang bồng bế một đứa bé trai. Vài ngày sau đó, kể từ khi mơ thấy giấc mơ ấy, hoàng hậu bỗng nhiên có thai và sinh ra được một hài tử vô cùng đáng yêu. Vua lấy làm mừng và nghĩ về giấc mơ gặp phật Quan Âm liền sai người xây dựng chùa dưới thiết kế của nhà sư Thiên Tuế dựa trên giấc mơ đó để xây thành như một lời cảm ơn, một lời đa tạ. Nhưng dù theo sử sách nào kể lại thì chùa Một Cột cũng được người đời biết tới là được khơi nguồn từ giấc mơ của vua thời Lý.
Kể từ khi được xây dựng cho đến ngày nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Chùa Một Cột ngày nay là thành quả của cuộc tu sửa vào năm 1954, khi thực dân Pháp chính thức đặt thuốc nổ phá chùa vào tối ngày 10 tháng 9 năm 1954 và sang ngày 10 tháng 10 năm 1954, chùa chính thức được tu sửa. Dù trải qua trên dưới hơn 1000 nghìn năm, chịu sự tàn phá của thời gian và bom đạn, chùa Một Cột vẫn giữa được nguyên vẹn những giá trị lịch sử, văn hóa của một thời phong kiến, giúp ta hiểu thêm về nghệ thuật kiến trúc cũng như lịch sử của dân tộc.
Đến với chùa Một Cột, khách du lịch như bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Tránh khỏi sự ồn ào của nơi đô thị bon chen, vội vã, chùa Một Cột là nơi vô cùng hoàn hảo cho những vị khách yêu chuộng sự yên tĩnh, an bình. Chùa được xây dựng với một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo mà từ trước tới nay chưa một ngôi chùa nào có được. Chùa Một Cột được xây dựng trên một cây cột lớn nằm giữa hồ Linh Chiểu và cũng bởi nó là ngôi chùa duy nhất được xây bằng một cột nên người dân thường gọi là chùa Một Cột. Chùa có dạng hình vuông mỗi chiều khoảng ba mét, mái cong, được lợp bằng bốn mái ngói được đắp hình đầu rồng dựng trên một cột đá lớn với đường kính khoảng 1,2 mét, cao chừng bốn mét ( chưa tính tới phần dưới hồ của cây cột ).
Dưới cây cột, có hai khối đá lớn được khít chặt với nhau, gắn liền như một. Phần giữa thân cột được xem là một hệ thống tám thanh gỗ tạo thành một khung sườn đỡ phần trên của ngôi chùa. Thông thường, ở mỗi ngôi chùa, trên đỉnh chùa đều có một con rồng và chùa Một Cột cũng không ngoại lệ. Trên nốc chùa có đắp hình ” Rồng chầu mặt nguyệt ” hay còn gọi là “Lưỡng long chầu nguyệt”. Hình ảnh của ngôi chùa giống như một đóa hoa sen vươn lên giữa mặt hồ nên chùa còn có tên gọi là Liên Hoa Đài. Nhưng người dân nơi đây vẫn thường gọi là chùa Một Cột.
Đến với chùa Một Cột, du khách sẽ phải đi qua 13 bậc thang được xây dựng để bước vào chùa. Bậc thang rộng 1,4 mét. Hai bên có hai vách tường chắn. Phía bên tay trái trên bậc thang là một bia đá do Tỳ Khưu Lê Tất Đạt ghi với chiều dài 40cm và chiều rộng 30cm. Bên trong chùa, khách du lịch sẽ nhìn thấy một tượng Quan Âm Bồ Tát đang ngồi thiền trên một tòa tháp hoa sen ở phần cao nhất chùa và trên cửa có đề dòng chữ ” Liên Hoa Đài ” nhằm để du khách nhớ lại câu chuyện nằm mộng rồi xây dựng nên chùa Một Cột như ngày hôm nay của vua Lý Thái Tông. Tượng phật và đài hoa sen được làm giống y hệt như trong giấc mơ.
Theo lời kể, xưa, cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua Lý Thái Tông lại đến chùa để làm lễ tắm phật và làm lễ phóng sinh trong tiếng hò reo của nhân dân. Sức mạnh của thời gian cùng với bom đạn đã tàn phá, dù đã trãi qua nhiều lần tu sữa nhưng chùa vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử muôn đời của nó và mang một tính chất tâm linh muôn đời. Theo triết học của phương Đông, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không gian chùa được xây dựng theo triết lý âm-dương. Chùa được dựng với dạng hình vuông tượng trưng cho âm (đất) trong khi đó cột đỡ chùa có hình tròn tượng trưng cho dương (trời). Từ đó có thể thấy được sự hài hòa giữa âm và dương, giữa trời và đất như mong muốn một cuộc sống yên vui, ấm no , sung túc cho nhân dân. Đến với chùa, du khách không những được hít bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng mà còn có mùi hương ngào ngạt của những bông sen dưới hồ Linh Chiểu. Những bông hoa dù sống trong bùn lấy vẫn giữ được vẻ đẹp tinh khiết, trong trắng của một bông hoa đồng nội.
Được xếp vào hạng ”Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia” vào ngày 28 tháng 4 năm 1962, chùa Một Cột cho đến ngày nay vẫn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Muốn hiểu thêm về chùa Một Cột, bạn nên đến đây và tự mình cảm nhận. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ có một chuyến đi tuyệt vời khi đến với ngôi chùa độc đáo này.