Bài văn thuyết minh về chiếc nón lá (bài số 7)
“Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”
Chiếc nón lá mộc mạc, giản dị, đơn sơ là một người bạn gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam. Nón lá từ lâu đã là một nét đẹp truyền thống, trở thành biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam, đi vào nhiều bài ca dao và thơ ca, nhạc họa.
Chiếc nón lá có lịch sử rất lâu đời, gắn với quá trình phát triển của dân tộc. Hình ảnh của nón lá đã xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ và thạp đồng Đào Thịch từ khoảng 2500-3000 năm TCN. Người Việt cổ từ xưa đã biết lấy lá buộc lại làm vật che mưa, che nắng. Nón từ xưa đã được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến.
Đi khắp đất nước Việt Nam xinh đẹp, đâu đầu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh chiếc nón. Chiếc nón nhìn đơn giản là thế nhưng để tạo ra một chiếc nón đẹp đòi hỏi bàn tay công phu, khéo léo của người làm. Làm nón phải tỉ mỉ từ khâu đầu tiên là chọn lá, phơi lá. Nón lá thường được làm từ lá cọ. Lá không được quá non cũng như quá già. Trước khi đưa vào làm nón, lá phải được phơi nắng cho thật khô, thật mềm và giữ được lâu.
Sau đó lá sẽ được mang đi sấy trắng. Những chiếc lá trắng nhất được dùng để làm những chiếc nón tinh xảo nhất, giá bán thường cao hơn những chiếc khác. Ngoài lá nón, vành nón cũng là bộ phận hết sức quan trọng của chiếc nón. Vành nón chính là xương sống của nón. Vành nón được làm từ những thanh lứa khô và dẻo.
Dưới bàn tay khéo léo của con người, những thanh lứa ấy được vót thật tròn và mịn. Sau đó được uốn thành những vòng tròn có đường kính to, nhỏ khác nhau. Các vành nón được xếp lên khuôn nón. Một chiếc nón có 16 vòng tất cả, vòng to nhất có đường kính khoảng 50 cm, những vòng tiếp theo càng lên đỉnh càng nhỏ dần, vòng nhỏ nhất chỉ bằng đồng xu. Vành nón phải đều tăm tắp, không được méo mó, xộc xệch thì mới tạo ra được những chiếc nón đẹp.
Sau công đoạn xếp vành lên khuôn là công đoạn xếp lá. Người thợ thủ công lấy từng chiếc lá, làm cho phẳng rồi xếp ngay ngắn lên khung nón. Mỗi chiếc nón gồm có 2 lớp lá, có một lớp mo lang ở giữa. Sau khi đã có một bộ khung hoàn hảo, cuối cùng là bước khâu nón bằng kim và cước mỏng như sợi chỉ. Những đường kim mũi chỉ lên xuống nhịp nhàng sẽ gắn chặt lá nón và vành lại với nhau.
Công đoạn này đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ để khâu nón cho đẹp cũng như không bị mũi kim đâm vào tay. Chiếc nón hoàn thành xong được quét một lớp dầu bóng để thêm bền và tăng tính thẩm mĩ. Quai nón được buộc đối xứng ở hai bên. Quai nón thường làm từ nhung, lụa hay chỉ với những màu sắc: cam, đỏ, hồng, tím…
Nón đã trở thành một người bạn hết sức gần gũi hằng ngày. Nón không chỉ che nắng, che mưa mà còn giúp xua đi cái nắng hè oi bức. Nón là vật bất li thân với các bà, các chị. Nón theo người nông dân ra đồng. Những cô thiếu nữ mặc áo dài trắng đội nón lá bước đi trên phố làm bao ánh mắt phải ngước nhìn chính là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Nón còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt.
Nón đi vào những câu ca dao, điệu hò, nón trở thành đạo cụ để biểu diễn nghệ thuật. Những màn múa nón duyên dáng trên sân khấu luôn khiến người xem không thể rời mắt. Trong những đám cưới truyền thống, nón là vật mà mẹ chồng trao cho con dâu, luôn chứa đựng biết bao tình cảm.
Nón cũng có nhiều loại. Có thể kể đến nón ngựa hay nón Gò Găng ở Bình Định, nón quai thao gắn với những câu hò của liền anh, liền chị trong ngày hội, nón bài thơ nổi tiếng của Huế là loại nón trắng và mỏng, có in một vài câu thơ trên nón, nón thúng tròn bầu giống cái thúng, ta vẫn hay gọi là “nón thúng quai thao”. Tuy nhiên, thông dụng hơn cả vẫn là nón hình chóp. Giá một chiếc nón trên thị trường hiện nay khoảng từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Trải qua bao năm tháng, ở nước ta hiện nay vẫn còn một số làng nghề làm nón nổi tiếng như: làng Chuông (Hà Tây), làng Đồng Di (Phú Vang), Dạ Lê (Hương Thủy), đặc biệt là làng nón Phủ Cam (Huế). Những làng nghề này ngoài sản xuất ra những chiếc nón công phu còn là nơi thu hút khách du lịch đến thăm và trải nghiệm thử những công đoạn làm nón.
Từ lâu, nón đã không chỉ là một người bạn gần gũi mà còn trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Nhìn thấy hình ảnh chiếc nón lá, ta như thấy cả tâm hồn của người Việt, những con người chất phác, hiền lành, đôn hậu:
“Ôi nón bài thơ của xứ nhà
Có bàn tay nhỏ nở như hoa
Có thành phố cổ giàu mưa nắng
Bóng nón đi về thêm thiết tha”