Bài văn tham khảo số 9
Nếu nói “Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại” (H.Balzac) thì Tố Hữu chính là một trong những người thư kí trung thành nhất. Tác phẩm của ông luôn mang tính thời sự và bám sát các vấn đề của dân tộc, đất nước. Ở đó có không khí thời đại, có bóng dáng con người, có nghĩa tình sâu đậm và cả hình ảnh của cả một thời cả dân tộc cùng nhau đồng lòng vì một lí tưởng lớn. Có thể thấy qua những câu thơ “Việt Bắc”:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng”
Tháng 7 năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp quay trở lại nước ta đã kết thúc thắng lợi. Hòa bình được lặp lại, nửa đất nước được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng, trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Lịch sử dân tộc bước sang một trang mới. Ở thời khắc này, người ta có nhu cầu nhìn lại chặng đường vừa qua, đồng thời hướng về con đường tương lai để bước tiếp. Bài thơ “Việt Bắc” ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy của xã hội, là tiếng lòng của đồng bào mọi người. “Việt Bắc” là bản trường ca đầy ân tình - tình quê hương, tình đất nước, nghĩa tình giữa con người. Vì thế bài thơ là một bản tổng kết lịch sử bằng tâm tình. Bởi là một chặng đường dài nên từ những câu thơ này đến dòng thơ sau đều có sự phát triển và vận động, mang ý nghĩa riêng của nó.
Đọc thơ của Tố Hữu, đôi khi cảm giác như mình đang được xem một bộ phim điện ảnh mà mỗi đoan thơ chính là những thước phim tư liệu về cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng của dân tộc. Đặc biệt là những thước phim toàn cảnh về tinh thần chiến đấu kiên cường của cả thiên nhiên lẫn con người Việt Bắc:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”
Trong nỗi nhớ của tác giả, kỉ niệm về những ngày kháng chiến cứ dần dẩn hiện lên trong đó có nỗi nhớ về những ngày tháng cách mạng còn trong trứng nước, về con người Việt Bắc ân tình, thủy chung và cả những nỗi nhớ về những trận đánh. Làm sao có thể quên cảnh càn quét, săn lùng và những tội ác của quân giặc đối với con người và thiên nhiên mỗi vùng đất chúng đi qua. Còn hằn in nguyên trong trí nhớ của những người con đất Việt:
“Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?”
(“Bên kia sông Đuống” - Hoàng Cầm)
Nhưng càng những khó khăn, những khắc nhiệt ấy lại càng làm tăng thêm sự kiên cường và sức đấu tranh của mọi người. Giờ đây, không chỉ con người mà thiên nhiên cũng tham gia vào cuộc kháng chiến, là một trong những dũng tướng, là một trong những cộng sự đắc lực cho bộ đội:
“Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”
Núi rừng, nếu ở những câu thơ trước là “những mây cùng mù” âm u, hoang vắng, là một trong những thử thách để con người thể hiện mình thì ở đây lại trở thành “lũy sắt dày”. Những dãy núi trùng điệp trải dài, kiên cố như một thành lũy bất khả xâm phạm che chở bộ đội, dân quân, du kích của ta, hơn nữa còn “vây quân thù”. Đó chính là một trong những yếu tố quan trong làm nên chiến thắng vang dội của quân dân Việt Nam. Núi rừng vừa bao vây quân thù, vừa chở che bộ đội. Dưới con mắt sử thi của Tố Hữu, núi rừng vô tri bỗng trở nên kiên trung, tình nghĩa. Những vách thành tạo dựng từ những tư thế hiên hang, kiêu hùng là điểm tựa cho chúng ta mà cũng khiến kẻ thù phải bất lực. Bởi:
“Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng”
Không gian mênh mông đang chìm trong màn sương mù dày đặc. Khung cảnh chiến đấu vừa hào hùng lại có gì rất thơ mộng. Đất trời tưởng như rộng lớn, mênh mông lại gói vào chung “một lòng” khiến không gian rộng lớn ấy chỉ như ngôi nhà lớn của nhân dân, của quân ta. “Bốn mặt sương mù” nhưng lại không hề tăm tối, bởi có ánh sáng của tình đồng đội, lại ấm áp bởi tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và đốt cháy bởi lòng căm thù giặc và ý chí quyết chiến vì lí tưởng dân tộc.
Đoạn thơ trên chính là thước phim lịch sử về những năm tháng kháng chiến gian khổ mà hào hùng của nhân dân ta những năm chống Pháp. Với tinh thần đó, nhà thơ khai thác triệt để hiệu quả của điểm nhìn, ánh sáng, tính biểu tượng của hình ảnh, chân thực của chi tiết. Chính những năm tháng ấy, những con người ấy là điểm tựa, là động lực để làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nếu nói văn học chính là “tấm gương lớn di chuyển trên đường cái”, là “phong vũ biểu của thời đại” thì “Việt Bắc” của Tố Hữu chính là tác phẩm như thế. Nó đã làm trọn trách nhiệm của mình, của văn học: phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu.
Những câu thơ của Tố Hữu đã thành những câu hát không thể nào quên của ngày ấy, và cả bây giờ là vì lẽ đó…