Bài văn tham khảo số 8
Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng với phong cách thơ trữ tình, chính trị. Hồn thơ ông luôn hướng về cội nguồn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không nằm ngoài dòng chảy trôi đó, “Việt Bắc” với cách xưng hô “mình - ta”độc đáo đã thấm sâu tư tưởng, đọng lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc.
Ở Tố Hữu, bạn đọc bắt gặp sự hòa quyện thống nhất giữa cuộc đời Cách mạng và cuộc đời thơ. Ông chọn con đường Cách mạng từ thời niên thiếu, viết thơ cũng là viết cùng chặng đường lịch sử của cả dân tộc. Bởi vậy, Tố Hữu quan niệm: “Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn.” Chính sự am hiểu, tận tâm ấy đã ghi tên Tố Hữu sáng chói trong văn đàn thơ ca Cách Mạng Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” là một thành công đặc biệt trong đời thơ Tố Hữu. Bài thơ viết về cuộc chia tay lớn - cuộc chia tay lịch sử giữa người về xuôi với Việt Bắc vào tháng 10 năm 1954, thể hiện một cách tinh tế tình cảm cách mạng giữa những người kháng chiến và người dân Việt Bắc.
Viết về những ngày tháng gian lao thấm đựng nghĩa tình quân dân ấy, nhà thơ đã vô cùng khéo léo khi gửi gắm chất liệu dân gian trong cách xưng hô độc đáo.
“Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.”
Đoạn đầu bài thơ là lời của người ở lại với người ra đi, thể hiện tình cảm của người dân Việt Bắc với cán bộ kháng chiến trong buổi chia tay. Sống trong không khí kháng chiến gian khổ nhưng từng lời thơ Tố Hữu vẫn thấm đượm tình cảm sâu nặng, mặn nồng của tình đồng chí, đồng đội, tình cảm quân dân. Hai chữ “mình - ta” xuất hiện nhiều trong thơ ca xưa, thường để chỉ mối quan hệ vợ chồng, tình cảm đôi lứa. Ấy vậy, đi vào thơ Tố Hữu, cặp từ xưng hô ấy lại mang ý nghĩa đặc biệt, mang màu sắc của cuộc kháng chiến tường kì của dân tộc. Điều đặc biệt là cách tác giả sử dụng cặp từ ta - mình trong bài thơ không chỉ một lần mà nó trở thành một điệp khúc trở đi trở lại, luyến láy hết sức tài hoa. "Đôi bạn tình" giữa chiến khu Việt Bắc với những chiến sĩ cách mạng đã chung sống với nhau 15 năm "thiết tha mặn nồng", giờ đây họ chia tay nhau vì những cán bộ phải rời Việt Bắc để về xuôi trong niềm hân hoan chiến thắng tưng bừng của quân và dân ta. Cuộc chia ly đầy lưu luyến phảng phất không khí buổi chia tay của những đôi bạn tình trong ca dao xưa:
"Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ"
(Ca dao)
Mượn thể hát đối đáp dân tộc, mượn cả ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân tộc để thể hiện tình cảm mới, Tố Hữu đã tạo cho lời thơ sự đằm thắm, mặn mà thủy chung. “Ta” là hình ảnh của đồng bào vùng cao, “mình” là xưng hô cho người lính khi rời xa mảnh đất Việt Bắc. Chỉ bằng cách xưng hô giản dị, đơn thuần, bạn đọc thấu hiểu được tình cảm đoàn kết, gắn bó sâu nặng giữa đồng chí - đồng bào, giữa quân và dân. Những người lính từ khắp mọi miền Tổ quốc tập trung về đây để kháng chiến, để bảo vệ một vùng thiêng liêng của đất nước. Từ những con người xa lạ đến với mảnh đất xa xôi, họ đã gắn kết, thân thương, coi nhau như người một nhà, như những cặp đôi lứa trong men tình say.
Không dừng lại ở sự kế thừa chất liệu văn học dân gian, Tố Hữu còn có sự sáng tạo độc đáo khi sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn cặp từ xưng hô này.
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...”
Nếu như bên trên “mình - ta” là lời của nhân dân với cán bộ chiến sĩ, thì bước sang nhwunxg câu thơ này, cặp từ xưng hô đã có sự hoán đổi ngoạn mục. “Minh” là người lính, “ta” là lời người dân vùng cao. Vẫn sự duyên dáng ấy, vẫn ấm nồng nghĩa tình ấy, nhưng câu thơ Tố Hữu còn sáng lên sự mới mẻ, độc đáo riêng biệt. Sự phiếm chỉ, không rạch ròi trong ngôi xưng của cặp đại từ đã tạo nên tính đa nghĩa, thú vị riêng cho bài thơ. Hiếm thi nhân nào lại có sự kế thừa và cách tân khéo léo, đặc sắc đến vậy. Và đôi khi “mình, ta” còn mang ý nghĩa sâu rộng hơn thế. Nó còn là sự bao hàm, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.”
Trong giây phút sinh tử của cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, đất và người đã hòa làm một, dựng nên chiến lũy kiên cố bảo vệ hòa bình, độc lập cho quê hương đất nước. Qua bốn đoạn thơ đầu của bài thơ Việt Bắc, ta thấy cặp đại từ xưng hô ta - mình được tác giả sử dụng khá nhuần nhuyễn, thành thục, tài hoa, lặp lại nhưng không vô vị, luyến láy mà không nhàm chán, thống nhất mà rất linh hoạt. Thể thơ lục bát, phép điệp, phép đối hài hòa…Tất cả tạo nên một cuộc đối đáp đầy tâm trạng giữa người ở lại và người ra đi. Nhờ thấm đượm phong vị ca dao, dân ca mà bài thơ đã tạo được sự hòa quyện thống nhất giữa nội dung mang tính cách mạng với truyền thống tư tưởng và tính dân tộc. Tính mới mẻ của thời đại nhập vào mạch dân tộc một cách tự nhiên.
Với ngôn từ trong sáng, mộc mạc gần gũi cùng với thể thơ lục bát linh hoạt mềm mại, đặc biệt Tố Hữu đã thành công trong việc sử dụng đại từ nhân xưng "mình - ta" đã tạo nên một áng văn thơ được coi là đỉnh cao của văn thơ cách mạng. Thật đúng như nhà phê bình Đặng Thai Mai từng nhận xét: “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.