Bài văn tham khảo số 10
Bàn về tình yêu Tổ quốc Tố Hữu đã từng tâm sự rằng: “Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu”. Thật vậy, thấm đượm trong mỗi trang thơ của Tố Hữu là một bản tình ca về quê hương Tổ quốc và người dân đất Việt, là những khúc hát yêu thương thấm đượm nghĩa tình. “Việt Bắc” là bài thơ thể hiện rõ nhất tình yêu bất diệt ấy của nhà thơ, tiêu biểu nhất là đoạn thơ sau:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng
Ai về có nhớ ai không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng
Nhớ từ Cao - Lạng, nhớ sang Nhị Hà”
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Sau hiệp định Giơnevơ, tháng 10/1954, Trung ương Đảng và cán bộ rời Việt Bắc. Buổi chia tay lịch sử ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Trải dài khắp bài thơ là niềm thương nỗi nhớ về những kỷ niệm kháng chiến gian khổ nhưng nghĩa tình. Tố Hữu nhớ về khung cảnh chia tay người Việt Bắc nghĩa tình đầy luyến lưu, nhớ về thiên nhiên Việt Bắc hữu tình ấm áp, nhớ về cuộc sống sinh hoạt của con người Việt Bắc giản đơn mà thấm thía nghĩa tình.
Trong mạch hồi tưởng của tác giả, những kỉ niệm thời kháng chiến cứ dần dần hiện lên trong tâm trí nhà thơ trong đó có nỗi nhớ về những ngày tháng cách mạng, về con người Việt Bắc ân tình, thủy chung và cả những nỗi nhớ về những trận đánh:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng”
Làm sao quên được cái cảnh càn quét, săn lùng của kẻ thù như một bầy chó săn khát máu. Đã bao lần chúng tắm nhân dân ta trong những bể máu, trong tiếng kêu khóc đau thương dậy cả đất trời. Quân giặc tìm mọi cách đàn áp, khủng bố hòng làm nhụt chí vùng lên tự giải phóng của nhân dân ta.
“Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt giày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”
Trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ của giai đoạn cầm cự, phòng ngự, bộ đội phải dựa vào dân, dựa vào núi rừng Việt Bắc hiểm trở để đánh địch. Trước giờ khắc quyết định của lịch sử, không chỉ nhân dân mà cả núi rừng đều vùng lên, chung sức đánh Tây. Với cuộc kháng chiến đầy gian lao của quân và dân Việt Bắc, núi rừng cũng trở nên có chí, có tình người, đã trở thành những người bạn, những người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng của toàn quân. Chỉ với bốn câu thơ, chữ “rừng” và “núi” được lặp đi lặp lại đến năm lần, nó rải kín câu thơ, rải kín đất Việt Bắc tạo nên thế hiểm của trường thành vây bọc quân thù. Nhớ về lúc kháng chiến, khi giặc đánh giặc lùng, cũng là khi quân ta đang khó khăn xoay sở tình thế, ta biết địch mạnh hơn ta rất nhiều, nhưng ta cũng có lợi thế ở trên trận địa quen thuộc.
Rừng cây núi đá “ta cùng” đánh Tây, bằng phép nhân hóa, rừng bạt ngàn cây, với núi bao la đá để rồi trên dưới một lòng cùng con người đánh đuổi quân xâm lược. Đồng thời thể hiện tình cảm giữa con người kháng chiến và thiên nhiên núi rừng Việt Bắc rất tha thiết, bao la. Ở cặp lục bát thứ hai ta sẽ thấy rõ hơn công việc của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Núi thì giăng thành lũy, rừng thì đảm nhận hai công việc. Như một người mẹ che chở cho con mình, rừng bao bọc cho bộ đội trước mặt kẻ thù cướp nước. Rừng trở nên kiên quyết đến dữ dằn cùng với việc vây quân thù để tiêu diệt, cái trùng trùng điệp điệp của rừng, cái khí thế hiên ngang kiêu hùng của những vách núi đã làm cho biết bao kẻ thù khiếp sợ và bất lực. Quả thật Việt Bắc đã trở thành “địa linh nhân kiệt” kể từ đó. Qua đó càng làm sáng tỏ thêm nhận định: Việt Bắc là cái nôi của cách mạng dân tộc ta.
Với sự đồng lòng, đồng sức, tất cả thành một khối đoàn kết vững chắc, Việt Bắc sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức:
“Mênh mông bốn mặt sương mù
Đấy trời ta cả chiến khu một lòng”
Hình ảnh “bốn mặt sương mù” thật giàu ý nghĩa, vừa là đặc trưng thiên nhiên chiến khu Việt Bắc, vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho khó khăn thách thức của buổi đầu kháng chiến. Cụm từ “cả chiến khu một lòng” đã nhấn mạnh tình đoàn kết quân dân, sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Tất cả bừng lên ngọn lửa căm hờn, ngọn lửa hừng hực tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Qua câu thơ này, Tố Hữu thể hiện lòng tự hào trước sức mạnh của dân tộc ta. Khi Tổ quốc, quê hương cần, tất cả thiên nhiên và con người đều sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã làm nên những chiến công vang dội, hàng loạt những địa danh vang lên, mỗi nơi đều gắn với một thắng lợi vinh quang:
“Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng
Nhớ từ Cao - Lạng, nhớ sang Nhị Hà”
Câu hỏi tu từ “ai về ai có nhớ không?” vừa là cách gây sự chú ý người đọc, vừa là cái cớ cán bộ kháng chiến ôn lại chiến thắng, nhớ lại gian khổ. Đoàn kết anh dũng đứng lên, Việt Bắc giành chiến thắng vang dội làm nức lòng nhân dân cả nước.
Bằng phép liệt kê các địa danh ở Việt Bắc gắn liền với những sự kiện quan trọng như Phủ Thông, đèo Giàng, là nơi đã diễn ra các trận hồi đầu cuộc kháng chiến chống pháp. Sông Lô phố Ràng: Trận sông Lô đánh tàu chiếm Pháp trong chiến dịch Việt Bắc và trận đánh đồn phố Ràng. Cao - Lạng : Cao Bằng và Lạng Sơn, năm 1950 ta mở chiến dịch giải phóng biên giới Việt - Trung. Đó là những chiến công tiêu biểu góp phần quan trọng, mang tính quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Những bước đầu quan trọng ấy đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
Cùng với điệp từ “nhớ” nhớ đến những trận đánh, những chiến công oanh tạc như thế là niềm tự hào của cá nhân những người tham gia kháng chiến. Chiến thắng nào mà chẳng phải trả giá. Có lẽ họ không những nhớ đến những chiến công oanh liệt như thế mà còn nhớ về những kỉ niệm buồn bên đồng đội của mình, họ ra đi vĩnh viễn trong nước mắt và sự xót thương của cả dân tộc. Qua đó nhà thơ như cũng muốn thắp lên nén tâm hương để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì nghĩa lớn vì sự nghiệp của dân tộc, của đất nước.
Vậy là chỉ bằng vài nét phác họa, Tố Hữu đã làm sống dậy tinh thần đoàn kết, khí thế anh dũng quật cường của Việt Bắc trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Với điệp từ “nhớ” cùng với thể thơ lục bát âm điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng, diễn tả nỗi nhớ vơi đầy dào dạt trong kí ức của nhà thơ. Giọng thơ thay đổi linh hoạt, lúc trầm lắng, lúc mạnh mẽ mãnh kiệt trong niềm vui, khiến độc giả như đang hòa mình vào niềm vui lớn của dân tộc, niềm vui trọn vẹn khi đất nước hoàn toàn tự do.
Là người, ai mà chẳng có trong tim mình một miền đất để nhớ để thương. Bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Có lẽ vì thế mà quê hương cách mạng Việt Bắc đã không ngần ngại chắp cánh cho hồn thơ Tố Hữu viết nên thi phẩm cùng tên mà ngày nay chúng ta vẫn nâng niu trên tay như một hòn ngọc quý.