Bài văn tả bác bảo vệ số 9
Ngôi trường từ bao giờ đã trở thành ngôi nhà thứ hai, là một phần của tuổi thơ mỗi người. Nơi đó là sân trường rộng lớn, nơi có hàng cây thoáng mát, có bạn bè thầy cô. Có cả những con người, cùng với thầy cô, lặng lẽ nhìn những lứa học trò chúng tôi khôn lớn: bác bảo vệ trường tôi.
Bác bảo vệ trường tôi tên là Nam. Coi bác như một người thân trong đại gia đình, chẳng bao giờ để ý tên đầy đủ bác là gì, chỉ đơn giản là bác Nam, cũng không ai gọi là bác bảo vệ. Trải qua 60 mùa xuân trên cuộc đời, bác có dáng người mảnh mai, không cao lớn cũng chẳng phải người to khỏe như mọi người hay tưởng tượng khi nghĩ đến những người bảo vệ. Nước da ngăm đen, rám nắng cùng chiếc áo màu xanh lam huyền thoại xắn đến khuỷu tay, đôi dép cao su đã cũ và chiếc mũ cối cũng xanh luôn ở trên đầu, dù ở xa, chúng tôi cũng có thể nhận ra bác rồi. Hiền từ và dễ gần ngay từ cái gặp đầu tiên là những điều mọi người có thể thấy ở bác. Có lẽ bởi khuôn mặt quá nhân hậu và chân chất ở bác?
Khuôn mặt đã sạm đi vì những “sương gió dạn dày”, những nếp nhăn đã rõ rệt qua thời gian và tuổi tác cũng khiến người ta hiểu và thêm kính trọng bác hơn. Cha ông thường nói: con người đẹp nhất là ở con mắt, có đúng với con trai không? Nhưng tôi thấy nó đúng với bác Nam. Đôi mắt bác nheo lại, nhưng vẫn có thể thấy từ đó sự ấm áp và nhẹ nhàng đến lạ kì, như ánh nắng mùa xuân, không chói chang, gay gắt mà có sức mạnh đến lạ kì làm hồi sinh vạn vật. Đôi mắt ấy hình như còn có cảm xúc nữa. Đôi mắt nheo lại khi vui sẽ khác với đôi mắt nheo lại thất vọng khi thấy chúng tôi làm gì không đúng. Và khi ấy, chúng tôi biết mình phải xin lỗi và làm nũng với bác. Đôi tay bác nhỏ nhắn, những vệt gân xanh nổi lên rõ rệt nhưng cứ như có sức mạnh siêu nhiên vậy, có thể khiêng và bê mọi thứ nặng hay giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào cần.
Vì thế mọi người ai cũng rất yêu quý bác. Các thầy cô đều rất kính trọng và yêu mến bác. Còn lũ học trò chúng tôi, bác chẳng khác gì người trong nhà vậy.
Bác Nam từng là cựu chiến binh, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt của đất nước. Bác có một căn phòng nhỏ ở giữa hai dãy nhà, đó chính là nhà ở của bác, cũng là nơi trú ngụ và vui chơi của chúng tôi ở trường học. Phòng bác có rất nhiều thứ để chơi: cây cảnh, các dụng cụ của bác, những bi nước thời chiến và cả những câu chuyện của bác nữa. Lũ trẻ chúng tôi thường quây quần bên chiếc giường nhỏ của bác để nghe bác kể chuyện. Đó không phải chỉ là câu chuyện kể, đó là những thước phim sống động trong đầu chúng tôi với âm thanh là giọng nói trầm ấm của bác, là những khoảnh khắc thót tim khi đối đầu với địch, là những giây phút hạnh phúc khi được hát ca bên đồng đội, là sự xót xa khi thấy đồng đội của mình phải ngã xuống, mãi mãi, …
Khi chúng tôi cười, khi chúng tôi hồi hộp, khi chúng tôi lại khóc. Bác chỉ lặng lẽ ngắm nhìn, và mỉm cười. Không biết bác mỉm cười gì nhưng chúng tôi cũng cười và thấy rất hạnh phúc. Đó chính là lí do tại sao chúng tôi lại yêu mến bác như thế.
Thỉnh thoảng, tôi lại nghĩ nếu phải xa ngôi trường này, phải xa bác Nam, thì chúng tôi biết phải làm thế nào đây. Chắc sẽ buồn lắm. Nhưng bác lại hiền hậu nói: “Chỉ cần chúng ta luôn nghĩ đến nhau, thì ở đâu cũng đâu có quan trọng đâu nhỉ?”