Bài văn suy nghĩ về sự hổ thẹn số 7
Trước chúng ta bảy thế kỷ, Phạm Ngũ Lão trong Thuật hoài đã bày tỏ lòng mình:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”.
(Nam nhi chưa trả xong nợ công danh
Thẹn khi nghe dân gian bàn chuyện Vũ Hầu)
Đó là cái “thẹn” cao cả, cái “thẹn” của một con người ý thức hơn ai hết trách nhiệm của mình đối với giang sơn xã tắc.
Thế kỉ XVIII, Nguyễn Công Trứ cũng khẳng định thái độ sống ấy: “Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông”. Sau này, Phan Bội Châu cũng nhắc lại trong bài Lưu biệt khi xuất dương:
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”.
Vẫn là chí làm trai ấy, nhưng nội dung đã thấm đẫm hơi thở của thời đại: “Há để càn khôn tự chuyển dời”. Như vậy, trong quan niệm của cha ông, chí làm trai không chỉ là lập công danh mà còn phải tham gia làm nên nghiệp lớn. Ngày nay, con người của thế kỷ XXI quan tâm nhiều hơn tới tự do cá nhân, tới nhu cầu hưởng thụ và nhu cầu sáng tạo, nguyên tắc sống ấy có trở nên “lạc hậu”? Và lí tưởng, hoài bão của người thanh niên sau Phạm Ngũ Lão bảy thế kỷ, sau Nguyễn Công Trứ ba thế kỷ và Phan Bội Châu tròn một thế kỷ là gì?
Đất nước Việt Nam độc lập, dân tộc Việt Nam tự do. Nền tự do, độc lập mà thế hệ trẻ chúng ta đang được thừa hưởng hôm nay là kết quả của một quá trình đấu tranh để bảo vệ và dựng xây của cha ông suốt hơn bốn ngàn năm lịch sử và hơn một nửa thế kỷ đấu tranh oanh liệt vừa qua. Để nhưng thành quả ấy mãi mãi vững bền, các thế hệ cháu con phải tiếp nối truyền thống ấy. Nói cách khác, mỗi thế hệ người Việt Nam hôm nay phải xác định trách nhiệm của mình. Và thế hệ có thể đóng góp nhiều nhất cho tổ quốc, không ai khác, chính là thế hệ thanh niên.
Hơn nữa, đối với mỗi người, ai cũng mong muốn rằng sự tồn tại của mình trên thế gian này không phải là vô nghĩa, vì vậy, làm một điều gì đó có ý nghĩa đối với cuộc sống, đối với đất nước, quê hương là niềm vui, là một cách để khẳng định ý nghĩa và giá trị của mình. Đối với tuổi trẻ, điều ấy lại càng quan trọng. Con người càng khao khát tự do lại càng mong muốn được khẳng định mình. Đó phải chăng cũng là một quy luật? Và hành động khẳng định ý nghĩa của cuộc sống của mình cũng là một cách để lưu danh?
Thế hệ trẻ hôm nay đã có biết bao tấm gương làm rạng danh dân tộc trên trường quốc tế.... Và cũng có biết bao người lặng lẽ lao động để tạo dựng cuộc sống cho bản thân và cho mọi người xung quanh. Họ đã bằng cách riêng, cống hiến tài năng và sức lực để xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ kính yêu. Đó chính là lí tưởng, là hoài bão của thanh niên hiện nay. Như thế, những gì mà Phạm Ngũ Lão bày tỏ trong Thuật hoài có gì khác hôm nay?
Theo tôi, lý tưởng ấy vẫn không thay đổi. Khác chăng chỉ là những định hướng, mục tiêu mà khát vọng hoài bão thời nay đang hướng tới: đó là khát vọng làm giàu chính đáng, là niềm say mê khoa học, ham muốn làm được nhiều việc tốt để cống hiến cho đất nước, cho dân tộc mình. Và đi liền với sự thay đổi mục tiêu ấy là những tấm gương, những mẫu người lý tường để thanh niên học tập và noi theo cũng đã thay đổi. Bây giờ, thanh niên không phải lập công danh theo gương Gia Cát Lượng mà quan trọng hơn, cần có những tấm gương mới để phấn đấu làm giàu cho Tổ quốc và cho gia đình mình.
Ngọn lửa sống nhiệt thành trong trái tim mỗi thế hệ, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định sẽ có những biểu hiện khác nhau, song tinh thần cống hiến, khát vọng được khẳng định mình mãi mãi là khát vọng sống chân chính mà con người luôn hướng tới. Và tinh thần mà phạm Ngũ Lão gửi gắm trong Thuật hoài không chỉ là tinh thần của con người một thời đại.