Bài văn suy nghĩ về số phận Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên số 3
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 – 1945. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong những thành công của Nam Cao trong việc xây dựng những hình tượng người nông dân Việt Nam sống dưới ách thống trị nặng nề trong xã hội thực dân nửa phong kiến, những con người phải sống một cuộc đời đầy đau khổ nhưng vẫn mang một vẻ đẹp tâm hồn thật cao quý. Bên cạnh những người do nghèo đói mà đi ăn trộm như Binh Tư, còn có những con người lương thiện giàu lòng tự trọng như Lão Hạc – đóa sen thơm ngát giữa ao bùn!
Lão Hạc cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Là một nông dân nghèo, không có ruộng, lão phải cày thuê cuốc mướn. Lão dành dụm, chắt chiu mới có mảnh vườn nho nhỏ. Tài sản duy nhất giúp lão có thêm chút hoa màu. Hoàn cảnh lão thật đơn chiếc, vợ lão mất từ sớm, còn hai cha con mà phải chật vật mới đủ ăn hàng ngày, lấy đâu ra cho con trai cưới vợ. Tiền mặt, tiền cau, tiền rượu, tiền cưới nữa chắc phải mất đến hai trăm. Không lấy được người mình yêu, con trai lão phẫn chí bỏ đi phu cao su, để lại cho lão vài đồng bạc và cậu Vàng. Giờ đây, lão chỉ còn Vàng là kỉ vật của con để lại làm bạn. Vậy là cùng một lúc lão phải đối mặt với bao đau khổ: cái đói, sự cô đơn và tuổi già với ốm đau, bệnh tật. Ngòi bút bùi ngùi xúc động: “Già rồi, mà ngày cũng như đêm, thui thủi một mình thì ai chả buồn”. Những lúc đó có con Vàng làm bạn cũng đỡ hơn một chút. Lão và con Vàng lây lất sống qua ngày với củ ráy, củ khoai, bữa trai, bữa ốc,…
Cuộc sống của lão càng ngày càng túng thiếu chật vật đến nỗi lão phải xa con Vàng. Trong nụ cười gượng gạo, chứa chan bao nước mắt, cay đắng, xót xa cho số phận: “Thì ra cậu Vàng ăn khỏe hơn tôi, ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ăn thế thì tôi lấy đâu ra tiền mà nuôi. Thôi thì bán phắt đi, đỡ được đồng nào hay đồng nấy”. Xã hội khắc nghiệt đã cướp đi tất cả niềm vui nhỏ bé của lão. Chưa hết tai ương, cơn bão lại cướp đi những hoa màu ít ỏi trong vườn. Vợ ông giáo từng nói về lão Hạc: “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ. Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ!”. Lão sống khốn khổ như vậy mà vợ ông giáo không hiểu lão cho rằng lão sống hà tiện, keo kiệt còn Binh Tư thì cho rằng lão là đồng minh của hắn. Sống đã khổ, đến chết cái khổ cũng không buông tha lão. Lão chọn cái chết khốc liệt, chua chát: tự đầu độc bằng bả chó.
Sống trong khổ đau bất hạnh, nhưng Lão Hạc vẫn sáng lên vẻ đẹp của nhân cách. Tấm lòng của lão Hạc dành cho đứa con trai độc nhất điều khiến mọi người vô cùng xúc động. Thương con lão ước mong cho con hạnh phúc. Dù đói khổ không còn cái ăn nhưng biết con trai không đủ tiền cưới vợ, lão vẫn giữ nguyên vẹn cái vườn cho con. Thương nhớ con lão đã suy nghĩ sâu xa, không thể bán vườn vì lão nghĩ đến tương lai của con. Lão để riêng hoa lợi của khu vườn, dành làm vốn cho con sau này. Lão đã hi sinh tất cả vì con. Trước khi mất, lão gửi mảnh vườn lại cho ông giáo, người hàng xóm thân thiết của lão để khi con trai về giao lại cho con. Lão chết nhưng tấm lòng vẫn hướng về con và mong muốn cuộc sống của con trai mình không gặp cảnh đớn đau như lão. Thương con trai, lão cũng thương cậu Vàng. Lão chăm sóc nó như chăm một đứa trẻ: cho nó ăn cơm bằng bát, lão ăn gì cũng cho nó ăn “lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ”, rồi lão bắt rận, rồi lão tắm cho nó, rồi nựng nịu mắng yêu nó…
Nhưng đến lúc túng quẫn không còn gì để nuôi nó, thậm chí không còn gì để nuôi thân, dự định bán nó đi mà lão đắn đo mãi. Khi bán nó rồi lão khóc vì thương “lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước” và nhất là khi lão xót xa thấy “già bằng ấy tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó”. Lòng thương và nỗi ân hận của lão đối với con Vàng sâu sắc đến mức trở thành nỗi đau khôn lường: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẻo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc: “Khốn nạn ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó cứ làm in như là nó trách tôi: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này đấy à?” Thật là một con người đôn hậu, chất phác! Biết bao người dám lừa bịp và xử tệ với thân nhân, đồng loại không một chút xót thương. Vậy mà lão Hạc, do hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn tự trách mình chưa tốt với con chó. Không những thế, lão Hạc còn là một nông dân giàu lòng tự trọng.
Dù sống trong cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn, lão vẫn giữ lòng tự trọng. Lão nghèo nhưng không hèn, không vì miếng ăn mà quỵ lụy kêu xin ai. Tự trọng đến mức không muốn sau khi mình chết còn bị mọi người khinh rẻ. Chẳng còn gì ăn mà lão vẫn không hề đụng tới số tiền dành dụm và đem gửi ông giáo để nếu mình chết thì ông tang ma cho mình: “Con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được, để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm được mắt”. Là một nông dân sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo của xã hội thực dân phong kiến, con người luôn bị cảnh chết chóc đe dọa hàng ngày. Cái chết của lão Hạc đã chứng minh sự trong sạch của lão, đã tố cáo xã hội đen tối thời bấy giờ không thể chấp nhận một con người lương thiện như lão. Sự ra đi của lão Hạc tuy đau đớn, nhưng chẳng khác nào một cánh hạc thanh cao từ bỏ trần gian, bay vút tận trời xanh.
Thông qua nhân vật lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của mình. Lão Hạc, nhân vật chính trong truyện, là một nông dân chất phác, đôn hậu, có nhiều nỗi khổ tâm, sống trong cảnh nghèo đói đơn độc nhưng giàu lòng tự trọng và rất mực thương con. Nhờ có những con người cao quý như lão Hạc mà Nam Cao đã chiêm nghiệm: “Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn”.