Bài văn so sánh đoàn quân trong "Tây Tiến" và "Việt Bắc" số 6
Lịch sử không chỉ được ghi chép bằng những trang sử, những dấu mốc mà còn được ghi dấu bằng những trang thơ, những trang văn thấm tình đậm nghĩa. Những con người ở đó, họ khổ nhưng họ cũng rất đẹp. Đặc biệt, họ đẹp theo những cách riêng. Chúng ta có thể thấy được hình ảnh những đoàn quân ra trận trong cách khám phá và thể hiện của Quang Dũng trong “Tây Tiến”:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Và Tố Hữu trong “Việt Bắc”:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cũng mũ nan”.
Một tác phẩm ra đời chính là để “trả nợ” cho nhà văn và cho cuộc đời. Đó là khi những sôi sục trong lòng, nghệ sĩ không biết nói với ai mà để chúng hiện hình thành câu chữ. “Tây Tiến” là bài thơ được viết bằng nỗi nhớ. Cả bài thơ là niềm nhớ thương dành cho mảnh đất biên giới Việt – Lào và kỉ niệm cùng với đoàn quân Tây Tiến bao lâu gắn bó. Tác phẩm cũng là đứa con của thời đại, bởi khi cần, nhà thơ còn là chiến sĩ và văn học còn là vũ khí. “Việt Bắc” ra đời như một sự trả lời với thời đại, là sự nhìn lại những tháng ngày đã qua cũng như hướng về tương lai phía trước. Cùng hít thở chung trong bầu không khí thời đại những năm kháng chiến chống Pháp hào hùng, “Tây Tiến” và “Việt Bắc” cũng có những gặp gỡ, tương đồng; đặc biệt là trong cách khám phá và thể hiện vẻ đẹp của những đoàn quân kháng chiến.Sau những câu thơ về hình ảnh núi rừng Tây Bắc vừa hào hùng, tráng lệ lại vừa trữ tình, thơ mộng là hình ảnh của đoàn quân Tây Tiến:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Ta như cảm nhận được có một đợt sóng kí ức mới chợt xô tới, bủa lên từng lưỡi sóng có vẻ dữ dằn, quyết liệt. Chân dung người lính Tây Tiến trực tiếp hiện lên qua những nét chạm khắc rạch ròi, gân guốc. Đã như một thói quen, mỗi khi nhắc tới các “trang nam nhi” thời chiến, thơ ca xưa vẫn thường có giọng cường điệu. Hai câu thơ đầu của Quang Dũng vang lên với cách nói khẩu khí quen thuộc. Sự thật hiện lên một cách thẳng băng như nó vốn có bằng “ngôn ngữ lính” nên hóa bất ngờ, và vì bất ngỡ nên vẻ trần trụi của hiện thực được cảm nhận khác đi.
Câu thơ không gợi ý nghĩ bi đát, mặc dù ai cũng hiểu sự “không mọc tóc” và làn da “xanh màu lá” chính là hậu quả của sốt rét. Bởi câu thơ của Quang Dũng mỗi khi vừa chạm tới địa hạt của hiện thực lại được nâng lên bằng đôi cánh lãng mạn. Cụm từ “không mọc tóc” làm cho câu thơ rắn rỏi, gân guốc; câu thơ ngang tàng; con người hiện lên với tâm thế chủ động, tư thể hiên ngang ngạo nghễ. Biện pháp ẩn dụ kết hợp phóng đại “dữ oai hùm” khiến chủ thể hiện lên uy nghi, đường bệ như chúa sơn lâm, khiến ốm mà không yếu – dáng vóc của những tráng sĩ chinh phu
.Đến hai câu tiếp đó, chút khẩu khí trong phong cách nói có thoáng qua với “mắt trừng” nhưng lập tức được mềm hóa trong chữ “mộng” để rồi gợi cảm đến đau lòng:
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Hai câu thơ trên gân guốc bao nhiêu thì hai câu thơ dưới lại nhẹ nhàng bấy nhiêu! Nếu ở trên tác giả thay “mắt trừng” bằng “bâng khuâng” thì câu thơ dưới sẽ giảm hẳm nét mềm mại và chi tiết được nêu lên mất đi tính tinh lọc và quý hiếm của nó. Câu thơ có cái “mộng” của người anh hùng mang theo lửa rực căm thù và khát khao lập công nhưng vẫn giữ cho mình chút “mơ” của giai nhân. Tác giả không dùng từ “nhớ” : nỗi nhớ của người lính nông dân về “giếng nước gốc đa” (“Đồng chí”), về “người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya” (“Nhớ”) hay cái nhớ của Nguyễn Đình Thi “Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”, …
Phải chăng ta vừa bắt gặp một thoáng thùy mị rất đời, rất người, cũng rất thị thành của các chiến sĩ? Vì “nhớ” thiên về tâm trạng – cụ thể còn “mơ” là dấu tích của tâm hồn – mơ hồ . “Dáng kiều thơm” ấy chính là vầng sáng lung linh trong kí ức, “tố cáo” nét đa tình và đời sống tình cảm dạt dào của người lính, vốn thường bị che phủ trong kháng chiến. Chỉ biết hình ảnh kia chắc chắn sẽ tạo nên sự cân bằng trong tâm lí người chiến sĩ và có thể tiếp thêm sinh lực cho họ vượt qua lắm nỗi gian lao phía trước. Những nét chân thực mà hào hoa, anh dũng mà phong tình – chỉ có ở những câu thơ rất riêng của con người thời đại: Quang Dũng.Vẫn là hình ảnh những đoàn quân, những anh chiến sĩ nhưng trong cái nhìn của tâm hồn dân tộc Tố Hữu hiện lên:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cũng mũ nan”
Những câu thơ là lời của người ra đi nhắc nhớ về những ngày mình và ta cùng nhau ra trận. “Việt Bắc” – không chỉ đơn giản là một địa danh vô tri vô tình trên bản đồ địa lí mà còn là địa chỉ của nỗi nhớ, là quê hương cách mạng, thủ đô kháng chiến lại đi liền với “của ta” : nghe thật thân thương, gắn bó mà có chút tự hào, kiêu hãnh. Những câu thơ sau sử dụng một loạt những từ láy: “rầm rập, điệp điệp, trùng trùng” tạo âm hưởng trùng điệp, hào hùng, giọng thơ thêm cứng cỏi, gân guốc. Từ láy tượng thanh “rầm rập” cùng với phép so sánh “như là đất rung” tạo nên một luồng sức mạnh như có thể làm rung chuyển đất trời. Không gian tồn tại là “đêm đêm” – bền bỉ, dẻo dai của cả một dân tộc hơn 3000 ngày không ngừng nghỉ. Một câu thơ sáu chữ mà có tới hai từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” vừa tượng hình, vừa tượng thanh như mở ra trước mắt hình ảnh đội quân hùng hậu, khí thơ hùng, điệu thơ tráng, câu thơ rất đỗi sử thi. Câu thơ cuối vừa là hình ảnh tả thực về sao trời: “Thấy sao trời và đột ngột cánh chim” (Phạm Tiến Duật) tạo sự trẻ trung cho câu thơ. Nhưng đó cũng có thể là hình ảnh sao trên mũ – giàu lí tưởng, đầy nhiệt huyết:“Anh đi bộ đội, sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”
(“Núi đôi” – Vũ Cao)
Như vậy, bằng ngòi bút tài hoa của mình, Quang Dũng và Tố Hữu đã khắc họa trước mắt ta hình ảnh của những đoàn quân mang vẻ đẹp sử thi, lãng mạn. Tầm vóc của họ ngang tầm thiên nhiên, tấm lòng của họ cao đẹp, đáng kính, họ không có danh xưng riêng nhưng họ là thế hệ mà mọi người biết ơn và yêu mến. Những bức tượng đài ấy đều được xây dựng bằng bút pháp sử thi với hình tượng thơ kì vĩ và giọng thơ hào hùng. Nhưng “không có lối đi chung nào cho hai nhà thơ cả”, mỗi hình tượng đều mang bóng dáng người nghệ sĩ ở đó.
Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên qua nỗi nhớ, trong hồi ức với vẻ đẹp vừa hào hùng lại hào hoa. Còn hình ảnh người lính Tây Bắc qua nỗi nhớ là vẻ đẹp, là sức mạnh của nghĩa tình cách mạng. Và qua mỗi đoạn thơ, ta lại cảm nhận được phong vị rất riêng. Đó là giọng thơ phóng khoáng, hào hoa của người “Sơn Tây” không đẽo gọt cầu kì mà vẫn mới lạ đến đáng ngạc nhiên. Đó là một tâm hồn của đất nước, nhân dân, của tất cả với thể thơ dân tộc, giọng thơ “chính trị - trữ tình”. Họ cùng góp vào dàn đồng ca của thời đại, của dân tộc bằng giọng hát riêng của chính mình.
Chính nhờ những trang thơ ấy mà dù có qua bão táp thời gian, quy luật nghiệt ngã của lịch sử, những bức tượng đài về người lính thuở nào vẫn còn sống mãi. Hình ảnh của những người nghệ sĩ tài hoa cũng vậy.