Bài văn so sánh đoàn quân trong "Tây Tiến" và "Việt Bắc" số 5
Lịch sử ghi dấu ấn ở lại đời không chỉ trong kí ức, không chỉ trong những sử sách thiêng liêng mà còn ẩn hiện trong những áng thơ cách mạng mà “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu là những áng thơ điển hình. Nhưng ta không hề thấy một sự lặp lại sáo rỗng mà tìm được trong mỗi bài những nét đặc sắc riêng, những vẻ đẹp riêng. Như Quang Dũng viết trong Tây Tiến rằng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm.”
Nhưng Tố Hữu lại viết:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.
Đối với Quang Dũng, Tây Tiến vừa là một miền nhớ, vừa là một miền thương. Ra đời khi tác giả đã trở về làng Phù Lưu Chanh, “Tây Tiến” là câu từ của nỗi nhớ, là kỉ niệm cùng anh em chiến sĩ nơi núi rừng miền Tây, chất chứa bao tình cảm của tác giả với những tháng ngày dài cùng nhau chiến đấu. Cho nên cả bài thơ thấm đẫm cảm xúc của nhà thơ chiến sĩ, là lời ca ngợi vẻ đẹp vừa hào hùng vừa hào hoa của người lính, cái chất lãng mạn của những thanh niên trai trẻ vừa rời khỏi ghế nhà trường đã anh dung xung phong đi chiến đấu:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Lời thơ vang lên như khúc sử thi ngàn năm xưa còn mãi. Giọng thơ ngang tàng, ngạo nghễ, khắc họa cái khổ, thử thách gian truân mà người lính phải gánh chịu. Những trận sốt rét rừng vàng da rụng tóc khiến họ trở nên kiệt quệ về thân xác nhưng không thể nào lấy đi ở họ sức mạnh của lòng quả cảm, sự lạc quan của anh bộ đội cụ Hồ. “Không mọc tóc” – cách diễn đạt vừa khắc họa đậm nét khí chất ngang tàng của người lính, vừa thể hiện tâm thế chủ động, lạc quan, vượt lên trên mọi gian khổ, thậm chí là kiểm soát nó. Lời thơ vì thế mà không mô tả khó khăn một cách tàn khốc, trần trụi, trái lại, hiện thực gian khổ ấy chỉ là cái nền để vẻ đẹp người lính lộ ra rõ nét. “Không mọc tóc” hay “xanh màu lá” chỉ là vẻ bề ngoài, còn sâu thẳm trong con người họ lúc này là sức mạnh của những binh tướng, sự mạnh mẽ oai hùng của chúa tể núi rừng.
Những khó khăn chỉ là liều thuốc thử để họ vững bước hơn trước con đường gian nan sắp tới.Gian khổ, khó khăn nhưng họ vẫn giữ trong mình những tình cảm, những bóng hình con gái thật đẹp. Bởi lẽ đó là những chàng trai đất thủ đô trẻ trung, vừa bước ra khỏi giảng đường đại học, cho nên họ mộng mơ và lãng mạn vô cùng. Họ gửi ước mộng của mình về miền biên giới xa xôi, cũng không quên ngước nhìn về Hà Nội với “mộng giai nhân” đẹp đẽ. Tác giá không dùng từ “nhớ”, bởi “nhớ” thiên về tâm trạng còn “mơ” lại là điệu cảm xúc của tâm hồn.
Người lính hiện lên với những nét đa tình của tuổi trẻ, họ duyên dáng trong tính cách và lãng mạn trong tâm hồn. Đối lập với hiện thực và bệnh tật tàn khốc mà họ đang phải gánh chịu, họ vẫn lạc quan để mơ về những mộng tưởng đẹp đẽ. Có lẽ điều ấy lại trở thành nguồn động lực để họ vượt qua gian khổ, nét hào hoa ấy chắp cánh trong sự hào hùng của chính họ trên con đường hành quân ra mặt trận.Vẫn là đoàn quân kháng chiến nhưng “Việt Bắc” của Tố Hữu lại đưa người đọc về xúc cảm mới lạ:“
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Những câu thơ đưa ta về những ngày hành quân rõng rã của dân tộc ba nghìn ngày không nghỉ, đến nỗi “Bắp chân đầu gối đã săn gân”. Những từ láy “rầm rập, điệp điệp, trùng trùng” khắc họa khí thế hành quân hào hùng, mãnh liệt của đoàn quân Tây Bắc. Mọi ngả đường ra trận đều xuất hiện ánh sao lấp lánh trên mũ của anh bộ đội cụ Hồ. Nếu như ở đoạn thơ trên trong bài thơ “Tây Tiến”, ta gặp vẻ đẹp hòa hoa, lãng mạn, tinh thần lạc quan và vẻ phong tình của người lính thì đến đây, ta lại thấy hiện lên rõ nét tính cách anh hùng của một thời đại anh hùng. “Đêm đêm” – thời gian gợi ra sự bền bỉ, dẻo dai và quyết tâm thắng trận.
Họ, những người lính kháng chiến năm xưa ấy thực sự đã dành trọn máu xương của mình để hi sinh cho lí tưởng cách mạng, để ánh sao trên mũ còn rực sáng mãi.Như vậy, cả hai đoạn thơ đều là bức tranh về vẻ đẹp của người lính trong một giai đoạn lịch sử gian nan, đau thương mà hào hùng, thiêng liêng đến lạ. Họ là bức tượng đài sừng sững, là chứng nhân cho lịch sử của một thời đại anh hùng, là niềm tự hào cũng là niềm trân trọng của con người cho mọi thế hệ. Nhưng đúng như ai đó từng nói, mỗi nhà văn phải có cái giọng của riêng mình, cách khám phá và thể hiện vẻ đẹp người lính cũng rất khác nhau.
Nếu như ta ấn tượng với vẻ đẹp vừa anh dũng, vừa hào hoa, đa tình và lãng mạn của người lính Tây Tiến hiện lên trong nỗi nhớ và niềm thương của thi nhân Quang Dũng thì đến với “Việt Bắc”, ngòi bút chí tình Tố Hữu lại làm hiện lên người lính với những phẩm chất anh hùng và tình nghĩa cách mạng thủy chung, son sắt. Những vẻ đẹp đó hòa quyện trong con người họ - những “Thạch Sanh của thế kỉ XX”.Thơ ca là tiêu biểu cho cái đẹp và cái đẹp sẽ còn mãi với thời gian. Cho nên những áng thơ đậm đà tình nghĩa đó sẽ còn sống mãi trong tâm khảm của bao thế hệ cho dù quy luật thời gian có nghiệt ngã tới mức nào... Những người nghệ sĩ vì cái đẹp đó cũng sẽ sống mãi trong lòng độc giả hôm nay và mai sau.